Giá Bitcoin mặc dù đã giảm đáng kể trong tuần qua, đang giao dịch quanh mức 90.000 USD tuy nhiên vẫn ở mức rất cao so so với trước. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đang thể hiện sự lo ngại rằng tội phạm mạng sẽ lợi dụng tâm lý của người dân trước làn sóng này để kiếm lợi.
Eva Velasquez, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Identity Theft Resource Center cho biết: "Điều này sẽ tạo ra rất nhiều FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và rất nhiều sự cấp bách xung quanh việc đầu tư vào bitcoin lẫn thanh toán bằng bitcoin”. Những kẻ lừa đảo “rất thích tận dụng các sự kiện bên ngoài, tạo ra sự nhầm lẫn, tạo ra cảm giác cấp bách và đánh cắp số tiền khó kiếm được của bạn”.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi những cuộc thảo luận về Bitcoin vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi, từ công khai tới bí mật, trên các phương tiện truyền thông lẫn các câu chuyện mang tính riêng tư… Cùng với những tiến bộ về AI, tội phạm mạng có thể lợi dụng để khiến những vụ lừa đảo trở nên tinh vi hơn, khiến cho cả những nhà đầu tư lão luyện cũng có thể sập bẫy.
Mức độ rủi ro đặc biệt cao khi Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet của Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã nhận được hơn 69.000 khiếu nại liên quan đến gian lận tiền điện tử vào năm ngoái, với ước tính thiệt hại lên tới hơn 5,6 tỷ USD. Các khoản lỗ liên quan đến những khiếu nại này chiếm gần một nửa tổng số thiệt hại do gian lận được báo cáo.
Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay bao gồm kêu gọi đầu tư để đổi lấy tiền thưởng “khủng” trên mạng, gửi các email hoặc tin nhắn lừa đảo mạo danh các công ty hoặc sàn giao dịch có uy tín, sử dụng các mô hình Ponzi (kẻ lừa đảo thu lợi nhuận bằng cách thu phí đối với các khoản đầu tư hoặc đơn giản là bỏ trốn bằng tiền của các nhà đầu tư). Những kẻ lừa đảo cũng tận dụng chiêu thức “giết lợn” (gây dựng lòng tin với nạn nhân theo thời gian, đóng giả bạn bè hoặc đối tác lãng mạn trước khi thuyết phục họ đầu tư vào các nền tảng tiền điện tử giả mạo) để dụ dỗ người dùng mạng xã hội.
Những người đam mê tiền điện tử và nổi tiếng như CEO Tesla Elon Musk thường bị các đối tượng giả mạo bằng những công nghệ deepfake tinh vi để hối thúc những người đang mong muốn kiếm lời tham gia đầu tư. Merrick Theobald, Phó chủ tịch tiếp thị tại BitPay, một dịch vụ thanh toán bằng tiền điện tử, cho biết: “Elon Musk sẽ không nhân đôi số tiền của bạn nếu bạn gửi cho ông ấy tiền điện tử”.
Những vụ lừa đảo mạo danh Musk có khả năng sẽ gia tăng nhanh trong thời gian tới khi ông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đồng hành cùng tổng thống đắc cử Donald Trump và được chọn làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ được đề xuất.
Thị trường tiền điện tử cũng đang chứng kiến một số vụ lừa đảo trong đó những kẻ tội phạm gửi tin nhắn văn bản tuyên bố rằng tài khoản của chủ sở hữu tiền điện tử đã bị xâm phạm. Nếu người dùng trả lời tin nhắn, chúng sẽ cố gắng moi thêm thông tin và sau đó tìm cách để rút sạch tiền trong ví điện tử của nạn nhân. Jeff Lunglhofer, Giám đốc an ninh thông tin của sàn Coinbase cho biết mọi người dễ mắc bẫy này vì chiêu thức mà những kẻ đưa ra khá thuyết phục, cho rằng tài sản của mình đang gặp rủi ro và dễ gửi gắm thông tin cho người mà họ cảm thấy tin cậy.
Theo chuyên gia này, nếu bạn nhận được tin nhắn hoặc email thông báo rằng tài khoản tiền điện tử của bạn có vấn đề, đừng trả lời hoặc nhấp vào bất kỳ liên kết nào. Thay vào đó, hãy truy cập trực tiếp vào trang web hoặc số điện thoại chính thức của nhà cung cấp dịch vụ để xác nhận lại thông tin.
Theo chủ tịch của Hiệp hội Blockchain và Tiền điện tử Mỹ Howard Greenberg thì những kẻ lừa đảo đôi khi gửi email hoặc đăng quảng cáo trên mạng xã hội, cung cấp các chương trình khuyến mãi một lần để đầu tư vào tiền điện tử. Những quảng cáo này thường trông giống như các ưu đãi hợp pháp từ các công ty có uy tín, tuy nhiên, trong đường dẫn (URL) được đính kèm, tên của các công ty có thể thiếu hoặc thừa đi một vài ký tự mà ít người để ý. Trong trường hợp đó, trước khi bạn nhận ra mình đã đăng nhập vào một trang web giả mạo, tiền của bạn đã biến mất và không có cách nào để đòi lại.
Để tránh vấn đề này, Greenberg khuyên mọi người chỉ nên mua tiền điện tử trên các sàn giao dịch có uy tín, bao gồm Coinbase và Gemini.
Một dấu hiệu cảnh báo khác dành cho những người muốn tham gia thị trường là nếu chỉ có một hình thức thanh toán duy nhất là tiền điện tử thì hãy cảnh giác hơn nữa. Các sàn giao dịch chính thống thường sẽ cho người tham gia nhiều lựa chọn để thanh toán hơn.