Vội vàng tới ngân hàng đóng tài khoản, anh N.Dũng (quận 10, TP. HCM) cho biết, mấy năm trước, bạn anh làm ở ngân hàng phải chạy chỉ tiêu mở thẻ tín dụng nên anh đồng ý mở giúp bạn. Thẻ được mở hoàn toàn miễn phí, còn được tặng thưởng 100.000 đồng trong tài khoản. Tuy nhiên do không có nhu cầu sử dụng nên tôi quên. Sau đó tự dưng ngân hàng báo nợ phí thường niên 400.000 đồng nên anh vội ra ngân hàng làm thủ tục đóng thẻ.
Anh Nguyễn Văn Lâm (TP. HCM) cũng đăng ký thẻ tín dụng tại một ngân hàng nhưng không kích hoạt. Anh cho rằng chưa kích hoạt tức là không sử dụng thì sẽ không bị tính phí gì. Thế nhưng, sang năm thứ 2, ngân hàng báo anh nợ 600.000 đồng phí thường niên.
Chị Bùi Thị Hoa (quận Tân Bình, TP. HCM) đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi của cô con gái hỏi có đang sử dụng thẻ tín dụng không? Hơn 1 năm trước, chị Hoa cần tiền gấp nên có đến một ngân hàng vay tiền. Nhân viên yêu cầu chị phải mở kèm theo 1 thẻ tín dụng. Không có nhu cầu, nhưng nhân viên cứ nói phải mở thẻ kèm theo khi vay nên chị đành đồng ý.
Kiểm tra thông tin cho mẹ, con gái chị Hoa phát hiện chị đang nợ phí thường niên 1,2 triệu đồng/năm. Con gái chị Hoa đã chở mẹ ra ngân hàng để đóng thẻ.
Mẹ chị Thanh Vân (quận Tân Bình, TP. HCM) cũng mở thẻ tín dụng trong tình huống tương tự. Làm việc trong ngành tài chính, chị Thanh Vân cho biết nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu doanh số mở thẻ nên nhiều khi khách không có nhu cầu mà vẫn phải mở. Như mẹ chị khi làm hồ sơ vay vốn, nhân viên đưa thêm giấy đề nghị mở thẻ tín dụng, hạn mức được cấp lên cả trăm triệu đồng. Khi phát hiện sự việc, chị Vân đã chở mẹ ra ngân hàng đóng tài khoản. Chị chia sẻ, người lớn tuổi như mẹ chị thường không có thói quen dùng thẻ nên sẽ rất dễ quên. Do đó phải đi đóng thẻ ngay, tránh mất phí thường niên mấy triệu mỗi năm.
Không chỉ thẻ tín dụng (loại xài trước trả sau), nhiều khách hàng mở thẻ debit (nạp tiền trước xài sau) cũng bị trừ phí đến âm tiền. Cụ thể, tùy từng ngân hàng phí thường niên cho các loại thẻ debit dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/năm trở lên.
Mỗi ngân hàng sẽ có chính sách quản lý riêng. Đa số các ngân hàng khối Nhà nước sẽ tự động khóa tài khoản sau 6 tháng không phát sinh giao dịch, nên sẽ không bị âm số dư. Còn nhiều các ngân hàng TMCP, tùy thuộc vào chính sách thời điểm mở tài khoản thì dù không có số dư, thẻ tạm ngưng hoạt động cũng vẫn bị trừ phí quản lý và sẽ bị ghi số âm… Tức là trong suốt thời gian dài, tài khoản không sử dụng vẫn sẽ bị trừ tiền phí.
Anh D. (Hà Nội) mở tài khoản tại 1 ngân hàng khi mới tốt nghiệp đại học, tính đến nay cũng gần 12 năm. Sau khi mở tài khoản, anh chỉ sử dụng thẻ khoảng hai tháng rồi thôi. Vài năm sau, anh bị mất sim điện thoại dùng đăng ký nhận thông tin từ ngân hàng. Từ đó, anh cũng không dùng lại số điện thoại cũ. Anh nghĩ rằng, nếu tài khoản ngân hàng đã không giao dịch nữa, số dư bằng 0 thì ngân hàng sẽ tự đóng sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, vụ việc nợ 8,8 tỷ xôn xao thời gian gần đây khiến anh lo lắng nên đã gọi tới tổng đài ngân hàng để tra suất thông tin cho chính xác.
Phía ngân hàng thông báo, anh D. đang nợ hơn 2 triệu đồng tiền phí và số nợ vẫn đang tiếp tục cộng dồn. Nếu muốn đóng thẻ, anh D. phải lên phòng giao dịch của ngân hàng, trả toàn bộ tiền phí đã nợ rồi mới được làm thủ tục đóng tài khoản.
Chị Phan Thanh (quận 3, TP. HCM) cách đây nhiều năm cũng mở tài khoản tại 1 ngân hàng. Sau đó, chị không sử dụng thẻ này mà mỗi tháng đều nhận tin nhắn trừ phí. Thấy phiền phức, chị đã ra ngân hàng đóng thẻ thì nhân viên yêu cầu đóng nợ gần 140.000 đồng vì "ngoài phí nhắn tin còn có cả phí thường niên hàng năm". Dù rất bực mình, nhưng muốn đóng tài khoản thẻ nên chị Thanh đã nộp phí trên để đóng thẻ.
Sau vụ việc tiêu tín dụng 8,5 triệu đồng, 11 năm sau lên hơn 8,8 tỷ đồng, làn sóng đóng thẻ tại các ngân hàng tăng cao. Ông Cao Văn Bình - Tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cho biết, những ngày qua lượng khách hàng đăng ký tài khoản tra soát thông tin dư nợ tăng nhiều lần. CIC hiện đang quản lý dữ liệu của hơn 55 triệu khách hàng đã và đang có mối quan hệ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng.
Hệ thống CIC sẽ cập nhật những khoản nợ từ 1 triệu đồng trở lên và lưu trong 5 năm. Ông Bình khuyến cáo, với những tài khoản không hoạt động thời gian dài, khách hàng nên chủ động đến ngân hàng đóng nhằm tránh phát sinh phí nếu có. Một số ngân hàng hiện nay trong thỏa thuận khi mở thẻ có quy định trong khoảng thời gian bao lâu sẽ tạm ngưng đóng tài khoản. Nhưng trường hợp tài khoản còn tiền, ngân hàng cũng khó tạm ngưng.
Liên quan đến những khoản nợ xuất phát từ khách hàng không vay mà bị kẻ gian lợi dụng mở tài khoản vay, thẻ tín dụng, ông Cao Văn Bình cho biết có 2 cách xử lý. Một, khách hàng khiếu nại trực tiếp đến ngân hàng có phát sinh khoản nợ. Sau khi tiếp nhận khiếu nại, ngân hàng có văn bản gửi đến thì CIC sẽ giải quyết. Hai, khách hàng phản ánh trực tiếp đến CIC. Lúc này, CIC sẽ chuyển cho ngân hàng để có hướng xử lý và sau khi nhận công văn phản hồi từ ngân hàng, CIC sẽ điều chỉnh thông tin.