Tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 133%, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngân hàng Nhà nước cho biết nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (133%), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ ngày 14.3.2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có báo cáo về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng thời gian qua.

Giải ngân gói 120.000 tỷ quá chậm

NHNN cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29.2.2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Báo cáo cũng nêu, dư nợ kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% dư nợ tín dụng BĐS; dư nợ BĐS tự sử dụng/tiêu dùng đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng BĐS.

tin-dung-3-1710383431.jpeg
Giải ngân gói 120.000 tỷ vẫn chậm chạp

Riêng chương trình 120.000 tỷ đồng, UBND 28 tỉnh, thành phố đã gửi văn bản hoặc công bố công khai trên cổng thông tin điện tử với 68 dự án thuộc danh mục vay vốn của chương trình với tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Hiện, ngoài 4 NHTM nhà nước, Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền 5.000 tỷ đồng. Các NHTM cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là 7.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 646 tỷ đồng.

Tuy vậy, NHNN đánh giá, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.

Vì sao ngân hàng vẫn “thừa tiền”?

NHNN cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm do vướng mắc do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao… Trong nước, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm. Tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu.

Thêm nữa, tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, nên tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Phía NHNN cũng cũng nêu, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; thông tin về tình hình tài chính thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của TCTD…

tin-dung-1-1710383019.jpeg
Các nhà băng hiện vẫn đang "thừa tiền"

Chưa kể, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả sản xuất kinh doanh để TCTD quyết định cho vay.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được TCTD xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm (nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022).

Phía NHNN cũng đánh giá, việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Hơn nữa, việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường TPDN, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Bất động sản phải giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng

NHNN cho biết, thời gian tới tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo các TCTD công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).

tin-dung-2-1710383512.jpeg
Giảm sự phụ thuộc của bất động sản vào tín dụng ngân hàng

Ngoài ra, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

“Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS; chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan địa phương, các Hiệp hội BĐS và kể cả các tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tìm ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể”, báo cáo nêu.

NHNN cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành  các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng kết nối hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; kiểm soát tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Thêm vào đó, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.  

Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu?

Các chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra đáp án cho việc điều hành chính sách tiền tệ thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô?

Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?

Tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính