Nhiều người nhập viện do sốc nhiệt: Bảo vệ cơ thể thế nào giữa thời tiết nắng nóng?

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (> 40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh…, khi nặng có thể khiến bệnh nhân hôn mê. Hiện tượng này thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là những ngày nắng nóng cao điểm.

Cả nước đã bước vào cao điểm nắng nóng của mùa hè năm nay. Thời tiết gay gắt làm tăng nguy cơ người dân bị sốc nhiệt và các biến chứng nguy hiểm sau đó. Điều này có thể thấy rõ khi gần đây, số bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt tăng trên toàn quốc.

Điển hình, vào tối 30/5, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận, bệnh nhân Lương Thanh Sơn (47 tuổi, ở TP. HCM) tử vong do sốc nhiệt. Vài ngày trước khi tử vong, ông Sơn đã tham gia đoàn đi theo ông Thích Minh Tuệ. Khi đoàn di chuyển qua thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) thì ông Sơn ngất xỉu nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Phong cấp cứu.

say-nang-1-1717215827.jpg
Bệnh nhân Lương Thanh Sơn bị sốc nhiệt nặng

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn hô hấp. Sau khi hồi sức cấp cứu, ông Sơn được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Nhưng do tình trạng quá nặng, ông được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng vẫn không qua khỏi.

Trước đó, khoảng 13h ngày 29/5, anh H.M.P (33 tuổi, quê Hà Giang) đang làm việc tại nhà máy gạch trên địa bàn huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) thì cảm thấy nóng bức, vã mồ hôi, khát nước. Anh xuất hiện tình trạng nôn nhiều. Đến tối, anh P. có thêm triệu chứng co rút tay chân, toàn thân nóng bừng nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cấp cứu.

Thời điểm nhập viện, anh P. mạch nhanh (97 lần/phút), huyết áp tụt 80/50mmHg. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc giảm thể tích. May mắn, sau 1 giờ bù nước và điện giải, mạch huyết áp của anh P. đã trở về mức ổn định.

Hay mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 22 ngày điều trị tại đây, một bệnh nhân bị sốc nhiệt đã xuất hiện. Theo đó, vào cuối tháng 4, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 21 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm (công cụ đánh giá ý thức của bệnh nhân sau chấn thương não cấp tính), co giật toàn thân, thở qua bóp bóng, mạch nhanh, huyết áp tụt, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C.

say-nang-2-1717215827.jpg
Nam bệnh nhân 21 tuổi được điều trị tại bệnh viện

Các bác sĩ đã thực hiện biện pháp hồi sức và kiểm tra toàn diện để loại trừ tình trạng bất thường não, mạch não cùng các nguyên nhân khác. Kết quả kiểm tra xác định, bệnh nhân bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao (30-40%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốc nhiệt này là nam bệnh nhân đã chạy xe máy hơn 2 giờ từ Hà Nội về quê Phú Thọ giữa trưa nắng.

Theo các bác sĩ, sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (> 40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh… dẫn đến rối loạn ý thức hoặc hôn mê. Nhiệt độ tăng cao đột ngột được hấp thụ từ bên ngoài cơ thể tại nơi làm việc hoặc trong môi trường nắng nóng thời gian dài gây ra sốc nhiệt. Hiện tượng này thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là những ngày nắng nóng cao điểm.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu cho biết, sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như khát nước, chóng mặt, chuột rút. Nhưng sốc nhiệt cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước. Khi bị nặng hơn, người bị sốc nhiệt thường nói lắp, lú lẫn, lo lắng, cáu kỉnh, mê sảng, co giật, thậm chí có thể hôn mê, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách thì có thể tử vong.

Một số triệu chứng kèm theo khi bị sốc nhiệt là khó thở, đau nửa đầu, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt. Những triệu chứng sốc nhiệt nguy hiểm có thể xuất hiện như sốt cao, ngất xỉu (kiệt sức vì nóng), nặng sẽ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh như mê sảng, rối loạn hô hấp, rối loạn tim mạch. Sốc nhiệt có thể gây tổn hại cho não, tim, thận, tiêu cơ vân và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

say-nang-1717215827.png
Biểu hiện đặc trưng của say nắng, say nóng (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Khi phát hiện người nghi bị sốc nhiệt cần nhanh chóng làm mát cơ thể nạn nhân bằng cách đưa nạn nhân vào nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo dư thừa của nạn nhân. Song song phải làm mát người bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn như phun nước mát, nhúng khăn vào nước mát lau cho nạn nhân, có thể đặt túi nước đá, khăn lạnh vào đầu, cổ, nách, háng người bệnh…

Đồng thời, cố gắng cho nạn nhân uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn khác nếu họ có thể uống được. Cần khẩn trương gọi xe cấp cứu để đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị ngay tránh xảy ra biến chứng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó trong những ngày nắng nóng, những người vẫn phải làm việc ngoài trời phải có biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, che chắn cơ thể cẩn thận... . Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 phút đến 15 phút.

Lưu ý uống nhiều nước, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời, để phòng mất nước. Nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol... Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Nếu có thể, hãy làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

Khi vừa đi nắng về, không tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ. Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.