“Lợi bất cập hại” khi trốn nộp phạt
Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về mức phạt vi phạm giao thông quá cao so với khả năng tài chính của bản thân. Nhất là khi cơ quan chức năng còn siết chặt thêm hình thức phạt nguội.
Từ đó dẫn đến việc một số người khi bị phạt nặng nhưng giá trị xe thấp, đã nghĩ đến việc bỏ xe để trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh - Công ty Luật TNJ, đây là suy nghĩ sai lầm, vì người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm đóng phạt.
![tra-gop-1739009203.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/08/tra-gop-1739009203.jpg)
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Nếu trong quyết định xử phạt ghi thời gian thi hành dài hơn 10 ngày thì phải tuân theo thời gian đó.
Nếu hết thời hạn mà người vi phạm không nộp phạt, họ sẽ phải chịu khoản phạt thêm 0,05% mỗi ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Đồng thời, sẽ có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, như khấu trừ lương, thu tiền từ tài khoản, hoặc kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Trong trường hợp cố tình tẩu tán tài sản, cơ quan có thẩm quyền có thể thu tiền hoặc tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, vấn đề này đã được pháp luật quy định rõ ràng và chặt chẽ. Điểm d, khoản 2, Điều 43 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và chưa hoàn thành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải quyết vụ vi phạm hành chính, sẽ không được giải quyết đăng ký, đăng kiểm xe vi phạm.
Ngoài ra, khoản 4, Điều 62 của cùng luật cũng quy định người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ không được cấp, đổi, hoặc cấp lại giấy phép lái xe nếu chưa hoàn tất yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ vi phạm hành chính.
Do đó, đối với các xe vi phạm mà chưa hoàn thành việc nộp phạt, sẽ không được tiến hành đăng kiểm hoặc đăng ký. Đồng thời, tài xế vi phạm cũng sẽ không được cấp lại hoặc đổi giấy phép lái xe.
![tra-gop-1-1739009203.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/08/tra-gop-1-1739009203.jpg)
Những trường hợp được “trả góp” tiền phạt
Trước “lợi bất cập hại” từ trốn nộp phạt, thực hiện nghĩa vụ công dân vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc nộp phạt theo hình thức trả góp có thể là giải pháp tạm thời cho những người gặp khó khăn tài chính.
Về vấn đề này, luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho biết, dưới góc độ pháp lý, nộp tiền phạt vi phạm giao thông phải thực hiện trong một lần, trừ trường hợp có quy định khác tại Điều 79 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, cá nhân và tổ chức có thể nộp tiền phạt nhiều lần (hay còn gọi là "trả góp") nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, cá nhân bị phạt từ 15.000.000 đồng trở lên và tổ chức bị phạt từ 150.000.000 đồng trở lên. Thứ hai, người vi phạm phải gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn xin nộp phạt nhiều lần (đơn này cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền khác).
Điều luật cũng quy định rõ, thời gian nộp tiền phạt theo hình thức trả góp không quá 6 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực, số lần nộp tiền không quá 3 lần, và số tiền nộp lần đầu tối thiểu phải là 40% tổng số tiền phạt.
Luật sư Phạm Thành Tài thông tin thêm, Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định những trường hợp được miễn, giảm tiền xử phạt hành chính là cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về kinh tế hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn...
Cụ thể, những cá nhân hoặc tổ chức này có thể được xem xét miễn hoặc giảm một phần tiền phạt nếu không có khả năng thi hành quyết định xử phạt và thuộc một trong các trường hợp cụ thể theo quy định của điều luật.
Để được miễn hoặc giảm tiền phạt, cá nhân, tổ chức phải gửi đơn đề nghị kèm theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc) tới cơ quan đã ra quyết định xử phạt.
Trong khi đó, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, để được miễn hoặc giảm tiền phạt, cá nhân phải có đơn đề nghị được UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Đối với tổ chức, đơn đề nghị phải có sự xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
Khi đáp ứng đủ điều kiện, người vi phạm có thể nộp phạt nhiều lần. Tuy nhiên, thời hạn nộp phạt không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực, và số lần nộp tiền không được vượt quá ba lần. Mức nộp phạt lần đầu tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Theo luật sư Quách Thành Lực, người ra quyết định xử phạt có quyền quyết định việc nộp phạt nhiều lần và quyết định này phải được lập bằng văn bản.