Sau chuỗi thua lỗ triền miên, Grab lần đầu tiên báo lãi

Gã khổng lồ taxi công nghệ Grab lần đầu tiên ghi nhận khoản lợi nhuận 11 triệu USD trong báo cáo doanh thu quý 4/2023 vừa được công bố. Liệu, đây có phải dấu mốc đánh dấu sự chấm hết của chuỗi thua lỗ kéo dài hàng chục năm qua?

Cụ thể, theo báo cáo doanh thu quý 4/2023, doanh thu của Grab đạt mức 653 triệu USD, thu về 11 triệu USD tiền lãi và cao hơn so với ước tính ban đầu là 634,86 triệu USD. Tính cả năm 2023, Grab vẫn lỗ 485 triệu USD, giảm 72% so với khoản lỗ 1,74 tỷ USD của năm trước.

Công ty cho biết, những kết quả kể trên đến từ sự cải thiện hiệu quả các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, thay đổi tỷ lệ các khoản đầu tư và giảm chi phí chi trả dựa trên cổ phiếu.

“Chúng tôi đã kết thúc năm 2023 với sự phát triển vượt giai đoạn trước Covid-19. Hiện, chúng tôi đang nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong lĩnh vực Grab”, Giám đốc Tài chính của Grab là Peter Oey cho biết.

Grab lần đầu tiên ghi nhận có lãi sau chuỗi thua lỗ kéo dài hàng thập kỷ.

“Nếu bạn nhìn vào hoạt động kinh doanh giao hàng, mức tăng trưởng của chúng tôi đang đạt kỷ lục với 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày càng có nhiều người dùng sử dụng nền tảng của chúng tôi hơn. Đó sẽ là động lực để chúng tôi phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Oey khẳng định.

Trong một diễn biến có liên quan, Grab cho biết tới đây họ sẽ mua lại số phiếu phổ thông loại A trị giá tới 500 triệu USD trên thị trường.

Grab đã chứng kiến một chuỗi kinh doanh thua lỗ trong suốt nhiều năm trời kể từ khi thành lập năm 2012. Trong những năm đầu, công ty ưu tiên theo hướng tăng trưởng hơn lợi nhuận, điều này đồng nghĩa với việc “đốt tiền” tại hàng loạt thị trường mà công ty đặt chân đến.

Cùng với đó là việc mở rộng hoạt động kinh doanh đa ngành, Grab cũng tích cực thâu tóm các đối thủ để độc chiếm thị trường. Tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của Uber, Grab đã không tiếc tiền mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của đối thủ từ năm 2018. Gần đây nhất, từ cuối năm 2023, Grab cũng đang trong quá trình đàm phán với khoản tiền khoảng 100 triệu USD để thâu tóm hãng taxi Trans-Cab lớn thứ 3 tại Singapore…. gây nên nhiều lo ngại và sức ép đối với hoạt động vận tải hành khách không theo tuyến cố định của nước này.

Grab không ngừng đổ tiền vào các hoạt động thâu tóm các công ty đối thủ như Uber để chiếm lĩnh thị phần taxi công nghệ.

Mặc dù có chiến lược kinh doanh rõ ràng và lâu dài như vậy, tuy nhiên Grab cũng gặp không ít trở ngại khi những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu đang làm chậm tốc độ tăng trưởng, buộc họ phải đổi mới tập trung vào lợi nhuận và thận trọng hơn với các kế hoạch chi phí.

Trong quý 4, tổng mức ưu đãi dành cho đối tác và người tiêu dùng trực tiếp của Grab đã giảm xuống còn 7,3% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ cung cấp ra bên ngoài. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 8,2% của cùng kỳ năm trước.

Trước đó, Grab liên tục đưa ra những chính sách mới để thu hút tài xế và hành khách đến với nền tảng của mình. Điều này sẽ có sự thay đổi đáng kể trong thời gian tới với chính sách gia tăng lợi nhuận của hãng.

Vào năm 2024, Grab dự kiến doanh thu sẽ đạt từ 2,70 tỷ USD đến 2,75 tỷ USD – thấp hơn mức dự đoán của các nhà phân tích LSEG là 2,8 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Grab chính thức đặt chân vào từ tháng 2/2014 và đang phát triển các dịch vụ bao gồm: giao hàng (đồ ăn, đi chợ), di chuyển, dịch vụ tài chính (thanh toán không tiền mặt, bảo hiểm, nạp tiền điện thoại, hóa đơn), dịch vụ khách sạn, quà tặng, quảng cáo trên nền tảng…

Theo báo cáo tài chính năm 2022, được lập ngày 27/3/2023 của Grab Việt Nam, lỗ lũy kế của công ty tính đến ngày 31/12/2022 đang ở mức 4.036 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ 20 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu vẫn âm 4.016 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Grab đã có 10 năm đặt chân vào Việt Nam và vẫn đang là hãng taxi công nghệ chiếm phần lớn thị phần, cạnh tranh trực tiếp với một số thương hiệu mới như Bee, Xanh SM...

Grab Holdings Inc., hay còn gọi là Grab, được thành lập tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 2012 bởi Anthony Tan và Tan Hooi Ling, hai cựu sinh viên của Đại học Harvard. Ban đầu, Grab chỉ là một ứng dụng đặt xe taxi mang tên MyTeksi, nhưng sau đó đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác như xe ôm, xe hơi, xe tải, xe đạp và xe ba bánh. Grab cũng đã phát triển các dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán kỹ thuật số và tài chính kỹ thuật số.

Grab hiện có phạm vi hoạt động tại hơn 300 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.