Đi xe bus 30km mỗi ngày
Mỗi ngày, Ngọc Trâm (sinh viên năm 2 Trường Đại học Thương Mại Hà Nội) vượt 30km bằng xe buýt để tới trường. Trâm cho biết, năm ngoái đỗ đại học, cô và 2 người bạn thân cấp 3 đã cùng nhau thuê trọ để thuận tiện cho việc đi học. Tuy nhiên, sang năm thứ 2 này, Trâm và các bạn đã trả phòng do chi phí thu trọ tăng cao.
Trâm cho biết, căn phòng cô thuê nằm tại một chung cư mini trong ngõ đường Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy). Ban đầu, cô và bạn được báo giá phòng 4,5 triệu và tiền điện 2.500 nghìn đồng/số. Thấy hợp lý, cả 3 đồng ý thuê.
Nhưng sau đó, cả 3 mới biết mỗi tháng phải gánh thêm đủ thứ phí lặt vặt khác như: Tiền nước 200.000 đồng, internet 100.000 đồng, tiền vệ sinh 100.000 đồng, tiền điện sinh hoạt chung 150.000 đồng, bảo trì thang máy 100.000 đồng, tiền gửi xe điện 150.000 đồng… Chủ nhà còn yêu cầu đóng tiền thuê 3 tháng một lần.
Ngoài ra, Trâm cũng được yêu cầu phải tự trang bị mặt nạ chống độc. Tòa nhà nữ sinh ở cao 10 tầng, mỗi tầng có 5 - 6 phòng trọ, mỗi phòng rộng 20m2 - 25m2. Thế nên, nơi để xe luôn chật như nêm. Những người về sớm, đi sớm, có khi phải loay hoay nửa tiếng mới lấy được xe ra.
Trâm bộc bạch, so với nhiều khu trọ mà bạn cô đang ở, nơi đây tốt hơn rất nhiều. Nhưng đi đôi với đó là chi phí quá cao với khả năng tài chính của gia đình cô. Tính riêng tiền ở, cô tốn hơn 2 triệu đồng/tháng, bằng tiền ăn của cả gia đình ở quê. Cộng thêm tiền ăn, rồi học phí một kỳ 16 triệu, cô tiêu của bố mẹ quá nhiều cho một tháng.
Do đó, năm học này cô quyết định trả phòng, mỗi ngày đi xe buýt 30km. Trâm bảo, đi xe buýt khó chịu và tốn thời gian nhưng mỗi tháng cô tiết kiệm được trên dưới 3 triệu đồng (gồm tiền ở và ăn) cho gia đình.
Trong khi đó, Trần Vy (sinh viên năm cuối một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) đã tìm nhà trọ suốt 2 tháng nay mà chưa được. Bạn thuê cùng với Vy chuẩn bị về quê nên Vy buộc phải đi tìm phòng trọ khác với mức chi phí rẻ hơn. Vừa học, vừa đi làm thêm, Vy chỉ cần tìm một căn phòng giá rẻ đủ đáp ứng nhu cầu ngủ, nghỉ. Nhưng nữ sinh vẫn chưa tìm được căn trọ ưng ý.
Vy chia sẻ, từng xem qua hơn chục nhà trọ, cô đều cảm thấy những căn phòng này không xứng với giá tiền mà người chủ đưa ra. Diện tích chỉ tầm 10m2, nhiều phòng thậm chí không có cửa sổ, nhưng giá thuê đều từ 2,5 triệu/tháng trở lên. Thậm chí, khi nghe mức giá phòng cô mong muốn là 2 triệu đồng, nhiều chủ trọ còn lắc đầu, xua tay.
Vy cho hay, những căn phòng có giá 2 triệu đồng/tháng ở khu vực Cầu Giấy, Đống Đa hiện gần như không có. Nếu vẫn muốn thuê phòng mức giá ấy, sinh viên phải chấp nhận đi xa hơn để tiết kiệm chi phí.
Tăng giá vẫn “cháy” phòng trọ
Theo khảo sát của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, bắt đầu từ tháng 7/2024, giá phòng trọ tại Hà Nội đã tăng cao. Trâm cho biết, hầu như bạn bè cô ở khu vực Cầu Giấy đều thuê nhà trọ diện tích phòng trên dưới 20m2 với giá khoảng 3,5 - 4,5 triệu/tháng. Một người bạn của cô thuê trọ tại Cầu Giấy, vừa kêu trời khi nhận thông báo tiền thuê nhà tăng thêm 300.000 đồng, tiền điện tăng từ 4.000 đồng lên 4.500 đồng/số.
Chị Mỹ Loan - chủ một khu trọ trên đường Trần Cung (Cầu Giấy) cho biết, sau lệnh rà soát phòng cháy chữa cháy, các chủ trọ nếu muốn tiếp tục cho thuê phải bổ sung thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy. Mức giá thuê nhà trọ có điều hòa, ban công cũng vì thế tăng lên khoảng 300.000 - 500.000 đồng tùy phòng.
Dẫu giá tăng lên nhưng chị Loan cho hay, hiện nhà chị đã không còn phòng trống cho thuê bởi giai đoạn này, nhiều tân sinh viên lên thuê trọ để chuẩn bị nhập học.
Còn ông Trần Văn Phong - chủ khu trọ ở đường Đê La Thành (Đống Đa) cũng cho hay, nhiều năm qua, ông giữ nguyên giá thuê, chưa từng tăng dù chỉ 10.000 đồng. Nhưng thời gian gần đây, ông đã sắm sửa thêm các thiết bị phòng cháy chữa cháy như lắp thiết bị báo khói, thang thoát hiểm, bình chữa cháy… Những chi phí này buộc phải tính vào giá thuê trọ để “bù đắp lại”. Ngược lại, người thuê cũng thêm phần yên tâm vì được bảo đảm an ninh, an toàn khi ở trọ.
Hà Nội hiện tập trung gần 60 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên. Theo UBND TP. Hà Nội, đến năm 2030, thủ đô có khoảng 650.000 - 700.000 sinh viên, chiếm 40% tổng số sinh viên vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhằm giảm tải cho khu vực nội thành, từ năm 2010, Hà Nội Định hướng di dời các trường đại học từ trung tâm thành phố ra khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, tới nay thành phố vẫn chưa đạt tiến độ đề ra do nhiều vướng mắc.