Số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh online vẫn còn rất thấp

Theo số liệu quản lý thu thuế từ năm 2022 – 2024 cho thấy, tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng từ 83.000 tỷ đồng lên 116.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh tính theo năm 2024 chỉ chiếm khoảng 21%.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ 16,4 tỷ USD (2022) lên 20,5 tỷ USD (2023) và dự kiến đạt 25 tỷ USD (2024). Tuy nhiên, tổng số tiền thuế thu từ hoạt động này chưa tương xứng.

Số thu chưa tương xứng với quy mô

Số liệu thu thuế giai đoạn 2022-2024 cho thấy, tổng số thuế từ TMĐT tăng từ 83.000 tỷ đồng (2022) lên 97.000 tỷ đồng (2023) và 116.000 tỷ đồng (2024). Tuy nhiên, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh vẫn rất thấp, chỉ 183 tỷ đồng (2022), 67 tỷ đồng (2023) và dự kiến 2.500 tỷ đồng (2024) từ hơn 300.000 cá nhân trên 400 sàn TMĐT, lần lượt chiếm 2,2%, 0,6%, 21% tổng thu.

Tổng thu thuế từ TMĐT (doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam) chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu thị trường, có xu hướng giảm từ 20,1% (2022) xuống 17,4% (2024).

Điều này chứng tỏ, nhiều đối tượng kinh doanh chưa kê khai, nộp thuế theo quy định đối với doanh thu từ TMĐT, nhiều gian hàng chưa định danh được người bán. Riêng 5 sàn lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab) có hơn 300.000 gian hàng chưa xác định danh tính, với doanh số trên 70.000 tỷ đồng.

Ngoài các sàn TMĐT trong nước, hộ, cá nhân còn kinh doanh trên các nền tảng quốc tế như Booking, Agoda, Airbnb (dịch vụ lưu trú); Netflix, Spotify (thuê bao); Google, Youtube, Facebook, TikTok (quảng cáo, mạng xã hội); Apple Store, CH Play (ứng dụng)… Cùng với đó là sự xuất hiện nhóm kinh doanh mới là các cá nhân có ảnh hưởng lớn (KOL) thực hiện kinh doanh trên sàn TMĐT, nền tảng số thông qua livestream quảng cáo, bán hàng.

ban-hang-tmdt-1738905389.jpg
Tổng số thu từ hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử và nền tảng số chưa tương xứng với quy mô

Theo cơ quan quản lý, KOL được chia thành ba nhóm chính: nhóm có uy tín xã hội và ảnh hưởng trên không gian mạng (21,8%), nhóm không có uy tín xã hội nhưng có lượng theo dõi lớn trên mạng (42%) và nhóm có ảnh hưởng gián tiếp trên không gian mạng (36,2%). Một số KOL livestream bán hàng có doanh thu hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Bộ Tài chính dẫn chứng: Quyền Leo Daily đạt hơn 75 tỷ đồng chỉ sau 13 giờ livestream trên TikTok, thậm chí có phiên livestream 17 giờ với doanh thu 100 tỷ đồng. Phạm Thoại cũng ghi nhận doanh thu trên 50 tỷ đồng trong một phiên livestream.

Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế. Nghị định 91/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định rằng sàn giao dịch TMĐT phải định kỳ hàng quý cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế qua phương thức điện tử.

Tuy nhiên, hiện nay, việc cung cấp thông tin từ các sàn TMĐT vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội và các nền tảng TMĐT khác.

“Đãi cát” tìm người nộp thuế

Hiện, mỗi kỳ kê khai, các sàn TMĐT cung cấp thông tin về hàng triệu giao dịch và hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh. Dựa trên dữ liệu từ Hệ thống thông tin TMĐT, công chức thuế địa phương sẽ rà soát, đối chiếu với hệ thống thuế để phát hiện các trường hợp chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, từ đó thực hiện kiểm tra và yêu cầu nộp thuế.

Quá trình phân tích dữ liệu này được ví như “đãi cát tìm vàng” nhằm ngăn chặn thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT. Thậm chí, nhiều trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế mời lên làm việc còn từ chối hợp tác, cố tình chây ỳ hoặc né tránh.

Điển hình, vào tháng 11/2024, Cục Thuế Hà Nội phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện Đỗ Mạnh Cường sử dụng nhiều tài khoản bán hàng để nhận thanh toán nhưng không kê khai, trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng.

Vì vậy, Dự thảo Nghị định quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT và nền tảng số của Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã có thêm nhiều quy định nhằm nâng cao ý thức tự kê khai, nộp thuế.

Để hỗ trợ việc kê khai và nộp thuế thuận tiện hơn, quy định mới yêu cầu tổ chức quản lý nền tảng TMĐT, nền tảng số có chức năng thanh toán khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể thủ tục hành chính cho hơn 300.000 cá nhân, hộ kinh doanh.

thuong-mai-dien-tu-1738905522.png
Riêng 5 sàn lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab) có hơn 300.000 gian hàng chưa xác định danh tính, với doanh số trên 70.000 tỷ đồng

Đồng thời, việc bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin định danh người bán và khấu trừ thuế tại nguồn sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, từ các khoản thu nhập cá nhân chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ.

Theo đó, chỉ tính riêng các gian hàng chưa định danh trên các nền tảng TMĐT, với giả định các gian hàng này thuộc về cá nhân chưa phân biệt doanh thu cao hay thấp hơn ngưỡng chịu thuế GTGT, TNCN, nếu áp dụng thuế suất 1,5% trên tổng doanh số 70.000 tỷ đồng, số thuế ước tính có thể đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh, hầu hết các giao dịch TMĐT đều phải thông qua các đơn vị trung gian vận chuyển. Vì vậy, các dịch vụ logistics có đầy đủ thông tin liên quan đến người bán. Trong thời gian qua, một số cơ quan thuế đã yêu cầu các đơn vị logistics cung cấp thông tin để hỗ trợ rà soát đối tượng chịu thuế, đồng thời thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn kê khai, nộp thuế theo quy định.

Tuy nhiên, việc triển khai yêu cầu cung cấp thông tin này chưa đồng bộ trên toàn quốc, gây ra một số khó khăn cho các đơn vị logistics. Việc phải cung cấp dữ liệu lớn cho nhiều cơ quan thuế theo phương thức thủ công tạo áp lực và ảnh hưởng đến tính cạnh tranh giữa các đơn vị vận chuyển.

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Tài chính khẳng định cần bổ sung cơ chế nhằm cụ thể hóa trách nhiệm cung cấp thông tin từ các tổ chức logistics để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT, đặc biệt là với các đối tượng không giao dịch qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến. Quy định này được đánh giá là hợp pháp, hợp lý và không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.