Dự báo xu hướng nhà bán lẻ rời sàn thương mại điện tử chuyển sang kênh riêng

Theo báo cáo của Metric (nền tảng cung cấp dữ liệu TMĐT), trong năm 2023, hơn 100.000 cửa hàng đã phải đóng trên các sàn TMĐT. Còn trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số cửa hàng trên 5 sàn TMĐT lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 3/2024, mức giảm lên đến 17,8%.

Đào thải mạnh mẽ người bán nhỏ lẻ

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những kênh tiếp cận và thúc đẩy doanh số chủ yếu của nhiều thương hiệu nhỏ và các nhà bán lẻ cá nhân. Tuy nhiên, thị trường TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự đào thải mạnh mẽ đối với các nhà bán nhỏ lẻ khi nhiều người không thể duy trì hoạt động trên các nền tảng này và buộc phải tìm kiếm các giải pháp khác hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Metric (nền tảng cung cấp dữ liệu TMĐT), trong năm 2023, hơn 100.000 cửa hàng đã phải đóng cửa trên các sàn TMĐT. Còn trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số cửa hàng trên 5 sàn TMĐT lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong quý 3/2024, mức giảm lên đến 17,8% so với năm ngoái.

Điều này thể hiện rõ nhất tại Shopee, nền tảng dẫn đầu thị phần, khi có đến 91.459 cửa hàng non-mall (các nhà bán hàng không phải chủ thương hiệu hoặc phân phối chính hãng) rời khỏi sàn.

san-tmdt-1734756172.jpg
Thị trường TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự đào thải mạnh mẽ đối với các nhà bán nhỏ lẻ

Nguyên nhân chính là hiệu quả kinh doanh không đảm bảo lợi nhuận, thậm chí không có đơn hàng. Ngoài ra, gần đây một số nhà bán hàng đã quyết định rời khỏi các nền tảng TMĐT do sự thay đổi trong chính sách của sàn, khiến họ gặp bất lợi và bị cho là tạo ra các kẽ hở mới.

Cạnh tranh gay gắt và xu hướng giảm giá mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành như làm đẹp, thời trang, mẹ và bé, đã khiến nhiều nhà bán hàng nhỏ tìm kiếm các hướng đi khác, thay vì chỉ tập trung vào các sàn TMĐT. Một xu hướng rõ rệt là sự chuyển dịch sang các kênh bán hàng độc lập như website riêng và các mạng xã hội, đặc biệt trong nhóm nhà bán hàng cá nhân và các hộ kinh doanh nhỏ và vừa.

Anh Hoàng - chuyên bán các sản phẩm thời trang nam trên Shopee, đã hoạt động ổn định trên nền tảng này trong 3 năm. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, anh bắt đầu nhận thấy sự giảm sút trong doanh thu và lượng đơn hàng, đặc biệt là trong những tháng gần cuối năm. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt với những đợt giảm giá "sốc" từ các cửa hàng lớn và sự xuất hiện tràn lan của hàng Trung Quốc giá rẻ khiến sản phẩm của anh không thể so nổi về giá cả.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách của Shopee như phí giao dịch tăng và yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc hàng hóa, cũng làm tăng chi phí vận hành của cửa hàng anh. Mặc dù đã cố gắng tối ưu hóa các chiến lược giảm giá và quảng cáo, anh vẫn không thể bù đắp được sự chênh lệch về lợi nhuận.

Cuối cùng, sau khi phân tích và nhận thấy không thể tiếp tục phát triển trên Shopee, anh quyết định rời khỏi nền tảng và chuyển sang bán hàng qua website riêng và các kênh mạng xã hội như Facebook và Instagram, nơi anh có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào các quy định của sàn TMĐT.

Trong khi đó, chị Lan - chuyên bán các sản phẩm làm đẹp tự nhiên qua TikTok Shop, đã chứng kiến sự bùng nổ trong doanh thu trong năm 2023 nhờ vào việc phát livestream và quảng bá sản phẩm qua các video sáng tạo. Tuy nhiên, vào đầu năm 2024, chị nhận thấy lượng khách hàng và doanh thu bắt đầu giảm dần, mặc dù vẫn tiếp tục tổ chức các buổi phát live.

Theo chị Lan, sự cạnh tranh trên TikTok Shop trở nên rất gay gắt, đặc biệt khi các nhà bán hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, bắt đầu đổ dồn vào nền tảng này. Các "miếng bánh ngon" dần dần thuộc về những người chơi lớn, khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các chính sách thay đổi liên tục và chi phí quảng cáo cũng ngày càng cao khiến chị không thể duy trì lợi nhuận bền vững. Dù hiện vẫn đang bán hàng trên nền tảng TMĐT, nhưng chị Lan cho hay không biết có thể trụ được tiếp trong bao lâu.

san-tmdt-1-1734756172.jpg
Nhà bán lẻ trong nước đang mất dần lợi thế về vận chuyển khi các kho hàng "khủng" được đặt sát biên giới

Phát triển kênh bán độc lập

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, bà Dương Mai Anh - Giám đốc Cổng thanh toán Paykit đánh giá, người Việt rất thức thời, đặc biệt là trong kinh doanh. Họ chuyển hướng nhanh chóng khi nhận thấy khó khăn ở một nơi và tìm thấy cơ hội ở nơi khác.

Bà Mai Anh cho biết, ít nhất 70% các nhà bán hàng tìm đến Paykit để phát triển kênh bán độc lập đều đã sở hữu ít nhất một kênh bán hàng online như Facebook, Instagram, hoặc website. Trước đây, họ đổ dồn nguồn lực vào các sàn TMĐT, nhưng sự thay đổi về chính sách (phí, giao vận, nguồn gốc hàng hóa) và sự cạnh tranh trực diện với hàng Trung Quốc buộc họ phải thay đổi chiến lược.

Sự dịch chuyển này phản ánh nhu cầu của các nhà bán hàng muốn kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào các quy định của sàn TMĐT để tối ưu hóa lợi nhuận.

Thống kê từ TikTok Shop cũng cho thấy, số lượng nhà bán hàng phát live trên nền tảng này trong năm 2023 đã tăng 286% so với năm trước. Nhưng đến năm nay, mức tăng chỉ còn 24%. Ông Nguyễn Mạnh Tấn - đại diện TikTok Shop cho rằng, thị trường bán hàng trên nền tảng này đã dần ổn định, với số lượng nhà bán mới giảm và việc cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt, với miếng "bánh ngon" giờ đây thuộc về các nhà bán hàng lớn.

Giải thích về hiện tượng hàng nghìn nhà bán hàng rời bỏ các sàn TMĐT trong thời gian gần đây, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà bán hàng thiếu sự cá tính và sáng tạo trong việc lựa chọn sản phẩm. Nhiều nhà bán hàng chỉ đơn giản là chạy theo các xu hướng mà không phát triển các mặt hàng độc đáo hay sáng tạo.

Ngoài ra, vấn đề còn liên quan đến các yếu tố khác như sức mua giảm sút, chi phí sàn tăng cao và thời gian giữ tiền của sàn kéo dài, khiến các nhà bán hàng không được bảo vệ một cách hiệu quả.

Thêm vào đó, sự xuất hiện ồ ạt của các shop bán hàng Trung Quốc trên các sàn TMĐT tại Việt Nam đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các shop này không chỉ có giá rẻ mà còn được hỗ trợ bởi các tổng kho ngoại quan, giúp vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng và chi phí thấp. Trước đây, các shop trong nước có lợi thế về thời gian giao hàng, nhưng hiện tại, lợi thế này đã không còn tồn tại, khiến các nhà bán hàng trong nước gặp khó khăn hơn.