Sự cố VNDirect: Quyền lợi của khách hàng được bảo vệ thế nào?

Hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công khiến toàn bộ giao dịch của các nhà đầu tư bị "đóng băng" mấy ngày nay. Theo thông tin từ VNDirect, hệ thống hoạt động lại vào ngày hôm nay (28/3). Nhưng những thiệt hại của khách hàng trong những ngày không thể giao dịch, ai sẽ chịu trách nhiệm?
quyen-loi-khac-hang-1711585648.jpg
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của nhà đầu tư trong những ngày gián đoạn giao dịch

Trao đổi về sự cố VNDirect, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw cho biết, theo nguyên tắc, các nhà đầu tư được phép yêu cầu bồi thường nếu thấy sự cố gây thiệt hại tới quyền lợi của mình. Các nhà đầu tư và phía công ty có thể thỏa thuận với nhau để đưa ra mức bồi thường hợp lý cho cả 2 bên. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì có thể đưa sự việc ra tòa. Tuy nhiên, phát luật Việt Nam quy định nhà đầu tư phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra.

Trong sự cố VNDirect, các nhà đầu tư rất khó chứng minh được thiệt hại. Ví dụ, nhà đầu tư nói muốn mua cổ phiếu A nhưng giao dịch gián đoạn nên không mua được. Sang hôm sau, cổ phiếu A tăng giá. Do vậy nhà đầu tư phải chịu thiệt. Thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại tương lai, suy diễn nếu – thì và không có bằng chứng chắc chắn rằng nhà đầu tư định mua vào hay bán ra vào thời điểm đó.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm, VNDirect có thể không bị phạt vì sự cố lần này là bất khả kháng và không phải lỗi từ phía họ. Nếu quy trách nhiệm cho VNDirect, nhà đầu tư cần chứng minh được sự cố lần này xảy ra là do lỗi của công ty, như công ty đã lơ là, không chú trọng đến vấn đề công nghệ mới hay không có đủ nhân sự dẫn đến bị tấn công như thế.

Hiện Ủy ban Chứng khoán cũng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra liệu VNDirect có sai phạm, thiếu trách nhiệm không. Trên thực tế, Ủy ban Chứng khoán cũng chưa có quy định cụ thể nào về những trường hợp tương tự như sự cố của VNDirect.

chung-khoan-1-1711585677.jpg
Thông báo sự cố của VNDirect

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại có ý kiến trái ngược khi cho rằng, VNDirect sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những thiệt hại của nhà đầu tư trong quá trình gián đoạn giao dịch. Theo ông, trường hợp hỏa hoạn, thiên tai… thì khó có thể quy trách nhiệm cho công ty chứng khoán. Nhưng với nguyên nhân chủ quan như hệ thống an ninh không đảm bảo, không có server dự phòng để rò rỉ dữ liệu hoặc làm mất dữ liệu khách hàng thì phía VNDirect phải chịu trách nhiệm.

Cũng nói về quyền lợi của các nhà đầu tư, nhưng ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại đi theo một hướng khác. Ông cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán khi gặp sự cố khách quan.

Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin hiện nay phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, tội phạm công nghệ cao, tin tặc cũng ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Minh chứng có thể thấy rõ là thời gian gần đây rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng hoặc tống tiền đã xảy ra.

Do vậy, nhà đầu tư cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn các công ty chứng khoán uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh. Quan trọng là nhà đầu tư nên mở nhiều hơn 1 tài khoản chứng khoán. Điều này sẽ giúp tránh được rủi ro khi 1 công ty gặp sự cố, thì nhà đầu tư có thể giao dịch bằng tài khoản chứng khoán của công ty chứng khoán còn lại.

quyen-loi-khac-hang-1-1711585649.jpg
Từ sự cố VNDirect, cần xây dựng ra khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư

Về phía cơ quan quản lý cũng phải xây dựng ra khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. VAFI đã từng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép thành lập 1 công ty quản lý quỹ đền bù cho nhà đầu tư. Tiền đền bù này không phải do nhà đầu tư thua lỗ mà là trả cho những rủi ro khách quan gây ra.

Trong lĩnh vực ngân hàng có định chế bảo hiểm tiền gửi thì trong chứng khoán cũng nên có một định chế như thế. Tất nhiên, nhà đầu tư chứng khoán kinh doanh thua lỗ thì phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng có những rủi ro khách quan như trong quá trình giao dịch bị mất tiền hoặc gặp lỗi do hacker thì công ty sẽ đứng ra đền bù. Việc đền bù sẽ thực hiện trong một khuôn khổ nào đó. Thực tế, những nước có thị trường chứng khoán phát triển từ trung bình cho đến cao cấp (Mỹ, Thái Lan, Singapore…) hầu như có quy chế này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay, việc thành lập quỹ đền bù rủi ro này có thể được thực hiện bằng cách trích phí môi giới, cũng là tiền từ nhà đầu tư. Tài khoản của quỹ sẽ tích lũy lớn dần theo thời gian. Ở các nước, các định chế này (các tổ chức được thành lập và hoạt động trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế) có vốn lên tới 5 - 10 tỷ USD. Do đó, những rủi ro khách quan gây ra cho nhà đầu tư sẽ được đền bù. Đây là thông lệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình nâng hạng thì nên xem xét vấn đề này.

Ông Hải nhấn mạnh, quỹ này cũng ít phải đền bù cho nhà đầu tư nếu thị trường thuận buồm xuôi gió. Nhưng nếu xảy ra sự cố khách quan, nhà đầu tư sẽ được bảo hiểm.