Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do robot hình người vẽ được bán đấu giá hơn 1 triệu USD

Chân dung nhà toán học người Anh Alan Turing được tạo ra bởi Ai-Da, một trong những robot hình người tiên tiến nhất thế giới vừa được đấu giá với số tiền lên tới hơn 1 triệu USD.

Bức chân dung của nhà toán học người Anh Alan Turing đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của một robot hình người được bán đấu giá tại New York vào thứ năm vừa qua, đạt mức giá 1,08 triệu USD.

Bức chân dung dài 2,2 mét có tên là "AI God. Portrait of Alan Turing", được tạo ra bởi Ai-Da, "nữ nghệ sĩ" robot siêu thực đầu tiên trên thế giới.

Mức giá hơn 1 triệu USD đã phá vỡ kỳ vọng ban đầu là từ 120.000 USD đến 180.000 USD. Sàn Sotheby's, nơi diễn ra cuộc đấu giá cũng đã xác nhận rằng có 27 người tham gia trả giá cho tác phẩm này.

nu-nghe-si-robot-1731058559.jpg
AI-Da, "nữ nghệ sĩ" robot đầu tiên trên thế giới đã có tác phẩm được đấu giá thành công, trị giá tới 1 triệu USD.

Ai-Da được tạo ra trong hơn hai năm bởi một nhóm lập trình viên, chuyên gia robot, chuyên gia nghệ thuật và nhà tâm lý học, được tích hợp AI tiên tiến nhất.

Nhà đấu giá cho biết trong một tuyên bố: "Mức giá bán kỷ lục ngày hôm nay cho tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của một nghệ sĩ robot hình người được đưa ra đấu giá, đánh dấu một khoảnh khắc trong lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, đồng thời phản ánh sự giao thoa ngày càng tăng giữa công nghệ AI và thị trường nghệ thuật toàn cầu".

Trò chuyện về tác phẩm của mình, Ai-Da cho biết: “Giá trị cốt lõi trong công việc của tôi là khả năng đóng vai trò chất xúc tác cho cuộc đối thoại về các công nghệ mới nổi”.

Ai-Da nói thêm rằng "bức chân dung của nhà toán học tiên phong Alan Turing mời gọi người xem suy ngẫm về bản chất giống Chúa của AI và máy tính trong khi cân nhắc đến những tác động về mặt đạo đức và xã hội của những tiến bộ này".

Turing - một nhà toán học và nhà khoa học máy tính thời kỳ đầu, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã với vai trò là người giải mã, đã nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng AI vào những năm 1950.

Là một trong những robot tiên tiến nhất thế giới, Ai-Da được thiết kế giống hệt một người phụ nữ và được đặt theo tên của Ada Lovelace, lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.

aida-robot-1731058938.jpg
Ai-Da Robot đứng trước các tác phẩm của mình. Bức chân dung Alan Turing ở bên phải vừa được đấu giá thành công với giá trị 1 triệu USD.

 Ai-Da được sáng chế bởi Aidan Meller, một chuyên gia về nghệ thuật hiện đại và đương đại. Meller cho biết: “Những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử đã vật lộn với thời đại của họ, đồng thời ca ngợi và đặt câu hỏi về những thay đổi của xã hội”.

Meller là người dẫn dắt nhóm tạo ra Ai-Da và làm việc với các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học Oxford và Birmingham của Mỹ.

Ai-Da nảy ra ý tưởng thông qua các cuộc trò chuyện với các thành viên trong studio và đã đề xuất tạo ra hình ảnh Turing trong một cuộc thảo luận về “AI vì mục đích tốt”.

Sau đó, robot được yêu cầu chọn phong cách, màu sắc, nội dung, tông màu và kết cấu trước khi sử dụng camera trong mắt để nhìn vào bức ảnh của Turing và tạo ra bức tranh.

Meller cho biết "Tông màu trầm và khuôn mặt biến dạng" của tác phẩm nghệ thuật dường như gợi ý về "những khó khăn mà Turing đã cảnh báo chúng ta sẽ phải đối mặt khi quản lý AI".

Ông nói thêm rằng các tác phẩm của Ai-Da "siêu thực và ám ảnh" và "tiếp tục đặt câu hỏi về việc sức mạnh của AI sẽ đưa chúng ta đến đâu, cũng như cuộc chạy đua toàn cầu nhằm khai thác sức mạnh của nó".