Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư tại Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng, như căng thẳng ở Trung Đông và xu hướng ngân hàng trung ương các nước hạ lãi suất, báo hiệu sự quay trở lại của thời kỳ "tiền rẻ." Ngoài ra, nhu cầu đa dạng hóa kênh đầu tư giúp vàng lập đỉnh và thị trường chứng khoán Mỹ liên tục đạt kỷ lục mới. Vàng cũng được coi là kênh trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu.
Có tiền từ chứng khoán “chảy” sang vàng nhưng tỷ lệ thấp
Trong khi thị trường vàng sôi động, thị trường chứng khoán trong nước lại tiếp tục ảm đạm với thanh khoản sụt giảm, và khối ngoại bán ròng với tổng giá trị lên tới 80.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay.
Mặc dù có nhiều thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết, cùng với Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức áp dụng cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch cổ phiếu mà không cần có đủ tiền, VN-Index vẫn không tránh khỏi xu hướng đi xuống và biến động yếu ớt.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, hiện trạng thị trường chứng khoán đang khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, bởi biên độ biến động hẹp khiến việc kiếm lợi nhuận trở nên khó khăn, thậm chí nhiều người còn gặp rủi ro mất mát. Dù có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường vẫn chưa đủ lực để tạo cú hích thoát khỏi giai đoạn tích lũy, nhất là khi khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Thực tế, việc nhà đầu tư trong nước nỗ lực "cân" lượng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đã là một thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu không có thêm dòng tiền mới hoặc động lực mạnh mẽ hơn, thị trường khó có thể đột phá.
"Không chỉ vàng thu hút sự quan tâm, lãi suất gửi tiết kiệm gần đây cũng nhích lên, tạo thêm sự lựa chọn cho dòng tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, chứng khoán thiếu khởi sắc khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát, kéo thanh khoản thị trường giảm sâu," ông Huân nhận định.
Đồng tình, ông Phan Dũng Khánh cho biết, lượng tiền mặt tại các công ty chứng khoán sẵn sàng cho việc mua cổ phiếu hiện đang ở mức rất cao. Tuy nhiên vẫn tồn tại khả năng dòng tiền từ chứng khoán sẽ chuyển sang vàng nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, lượng tiền này không lớn, bởi việc đầu tư vào vàng không dễ dàng, đặc biệt khi giá đang ở đỉnh và rủi ro cao. Để đạt lãi 10% từ đầu tư vàng ở Việt Nam là không đơn giản do chênh lệch mua - bán lớn; nghĩa là giá vàng mua vào cần phải tăng khoảng 15%.
Cũng theo ông Khánh, vàng không mang lại lợi suất trong thời gian chờ tăng giá như những kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, với cổ phiếu hoặc bất động sản, nhà đầu tư có thể nhận cổ tức hoặc tiền cho thuê trong lúc chờ giá tăng. Còn với vàng, điều này là không thể, thậm chí nhà đầu tư còn có thể phải chịu chi phí nếu gửi vàng vào ngân hàng.
Không nên “tất tay” vào vàng
Dù giá vàng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi" nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo vẫn có những rủi ro khi kim loại quý đã có chuỗi tăng nóng và liên tục thời gian qua. Bởi, giá vàng không thể lên theo đường thẳng đứng mà sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, thậm chí là lao dốc trong ngắn hạn.
Do đó, ông Khánh cho rằng, nếu mua vàng, chỉ nên dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi khoảng 10 – 20% và có thể mua cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn. Dù vậy, đang có những yếu tố có thể khiến giá vàng điều chỉnh giảm như việc kim loại quý đã tăng hơn 40% từ đầu năm, mức tăng chưa từng có trong lịch sử nên sẽ khó để tăng mạnh tiếp.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước đã ngừng mua vàng như Trung Quốc, Ấn Độ không mua vàng trong nhiều tháng qua. Và khi các nhà đầu tư đều đã có lời, nếu giá vàng đảo chiều, áp lực bán chốt lời sẽ là rất lớn, khiến giá vàng lao dốc. Chưa kể, việc đạt tỷ trọng đầu tư 20% vàng trong danh mục tà sản có giá trị tài sản ròng (NAV) từ 5-10 tỷ đồng không hề dễ dàng do gặp phải nhiều rào cản trong giao dịch vàng trên thị trường.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ, mặc dù có thể mua vàng từ các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC nhưng quá trình này vẫn đầy thử thách.
"Tôi đã đặt mua vàng qua website của một ngân hàng lúc 10 giờ sáng, nhưng chỉ sau một phút đã báo hết hàng. Tôi phải canh cả tuần mới mua được một lượng. Đến khi muốn mua thêm, ngân hàng lại thông báo giới hạn mua là một lượng mỗi tháng. Chuyển qua SJC, mỗi tháng có thể mua được hai lượng nhưng cửa hàng thường xuyên hết hàng”, ông Huân chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Khó khăn trong việc mua vàng đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường "chợ đen," nơi vàng được bán với giá cao hơn nhiều so với giá chính thức. Theo ông Huân, tình trạng hiện tại của thị trường vàng ngoài rủi ro từ mức giá đang neo ở ngưỡng rất cao còn mang đến thách thức khác về chính sách, nhất là khi giá vàng trên thị trường "chợ đen" cao hơn khoảng 2-3 triệu đồng so với giá tại các cửa hàng chính thức.
Ông Huân nhận định, khi giá vàng đạt mức 90 triệu đồng/lượng, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến thị trường chợ đen để mua với giá 92 - 93 triệu đồng/lượng do khó mua ở cửa hàng chính thức. Tình trạng này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Ngoài ra, giá vàng nhẫn đôi lúc cao hơn vàng miếng cũng tiềm ẩn rủi ro về chính sách.
"Liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp hay không, và nếu có thì sẽ can thiệp như thế nào? Một khi có sự can thiệp, nhà đầu tư giữ vàng sẽ gặp rủi ro. Dù rủi ro này có thể được bù đắp nhờ xu hướng tăng giá vàng trong trung và dài hạn, nhưng nhà đầu tư sẽ phải đánh đổi bằng việc chờ đợi mà không thu được lợi suất nào như khi đầu tư cổ phiếu hay bất động sản”, ông Huân đặt vấn đề.
Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng nhận định, rào cản lớn nhất với thị trường vàng trong nước là việc mua bán ngày càng phức tạp, phụ thuộc vào chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước. "Việc mua vàng nhẫn ở mức giá đỉnh như hiện nay để có lợi nhuận là rất khó, và khả năng thua lỗ do chênh lệch giá mua - bán cùng với nguy cơ giá giảm là hiện hữu," ông phân tích.