Rất khó để giải quyết bài toán vàng trong bối cảnh hiện nay

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh hiện nay, rất khó để giải quyết “bài toán vàng”. Bởi lẽ, nếu cho phép người dân mua vàng tự do, sẽ làm mất cân đối kinh tế vĩ mô vì phải dùng nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng, phá vỡ bài toán vĩ mô.

Trong những ngày gần đây, các cửa hàng vàng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Bảo Tín Mạnh Hải... đều thông báo tạm ngừng bán vàng nhẫn tròn trơn do khan hiếm hàng.

Thị trường vàng xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn

Trên "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tình trạng này diễn ra rõ nét khi nhân viên các cửa hàng liên tục phải từ chối khách hàng và hướng dẫn giao thông do lượng người tập trung quá đông. Đáng chú ý, mặc dù đã có thông báo ngừng bán, nhưng cuối tuần qua tại chi nhánh Bảo Tín Minh Châu ở Cầu Giấy, nhiều người mua vẫn đến từ 7h sáng, mang theo cả đồ ăn để chờ đợi.

Nhiều người dân chia sẻ, chỉ cần 1,2 chỉ vàng để trả nợ, làm quà cưới cho người thân nhưng đã phải chờ nhiều ngày vẫn chưa mua được. Trong khi đó,bên ngoài các cửa hàng, xuất hiện nhiều người mua để "ôm vàng". Họ sẵn sàng trả giá cao hơn 1-2 triệu đồng mỗi lượng so với giá niêm yết nếu có ai muốn bán vàng.

Trên các diễn đàn mua bán vàng trực tuyến, giao dịch diễn ra sôi nổi ở cả 2 chiều mua bán. Theo đó, chỉ cần đăng bài muốn bán vàng chỉ chưa đầy 5 phút đã có rất nhiều lời đề nghị mua lại với giá chênh lệch cao, sẵn sàng giao dịch tại nhà và chuyển khoản ngay. Ngược lại, “chợ mạng” cũng sẵn sàng lượng vàng lớn để bán ra với mức từ 90-91 triệu đồng/lượng.

vang-1730020289.jpg

Trong những ngày gần đây, các cửa hàng vàng như Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Bảo Tín Mạnh Hải... đều thông báo tạm ngừng bán vàng nhẫn tròn trơn do khan hiếm hàng

Tại cửa hàng PNJ ở Cầu Giấy, nhân viên cho biết đã ngừng bán vàng nhẫn tròn trơn gần một tháng vì không có hàng. Nhiều khách hàng đến hỏi mua nhưng đều phải ra về tay không. Tương tự, tại Bảo Tín Mạnh Hải trên đường Trần Duy Hưng, khách muốn mua phải đặt trước và chờ 20 ngày mới nhận được vàng.

Các cửa hàng nhỏ lẻ khác cũng trong tình trạng vắng khách. Nhân viên thường ngồi không, khi được hỏi thì cho biết hết vàng và chưa rõ khi nào có hàng mới. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục dù giá vàng thế giới có xu hướng giảm. SJC niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 87-88,5 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn trơn 9999 tại Doji có giá 88-89 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC cũng giữ mức 87-89 triệu đồng/lượng trong vài ngày gần đây. Sự khan hiếm vàng nhẫn tròn trơn và nhu cầu mua cao đã tạo nên cơn "sốt vàng" trên thị trường. Nhiều người lo ngại về chất lượng vàng khi mua bán qua mạng hoặc từ các nguồn không chính thống, nhưng vì nhu cầu cấp bách, họ vẫn chấp nhận rủi ro. Trước tình trạng này, nhiều câu hỏi về nguồn cung vàng trên thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân đã được đặt ra.

Giải quyết bài toán vàng là rất khó

Không chỉ người dân, giới chuyên gia, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự lo ngại về việc quản lý thị trường vàng hiện tại. Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho rằng tình trạng người dân ở Hà Nội "xếp hàng cả ngày không mua nổi một chỉ vàng" là không thể chấp nhận. Các biện pháp quản lý thị trường vàng trong báo cáo của Chính phủ còn thiếu rõ ràng. Do đó, ông đề xuất bổ sung nhiệm vụ quản lý thị trường vàng vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Các đại biểu khác như Lê Thị Nga (Hà Nam) và Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cũng phản ánh khó khăn của người dân khi mua vàng, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ cho thị trường vàng, đặc biệt là xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

vang-1-1730020360.jpg

Tình trạng người dân ở Hà Nội "xếp hàng cả ngày không mua nổi một chỉ vàng" là không thể chấp nhận

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi thị trường vàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, sau những biện pháp ổn định thị trường của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng đã thể hiện được sự ổn định tương đối khi giá vàng thế giới đã tăng 37,5% so với đầu năm, nhưng trong nước chỉ tăng 19,5%. Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn là một điểm nghẽn cần phải giải quyết.

Giá vàng thế giới tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố chính là chiến tranh và xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới, thúc đẩy tâm lý trú ẩn vào vàng và chính sách tiền tệ nới lỏng dần ở các nước lớn như Mỹ và châu Âu. Sự tăng giá vàng thế giới đã kéo theo giá vàng trong nước tăng, trong khi đây vẫn luôn là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn khiến người dân đổ xô “gom mua”.

Dù vậy, với tình hình hiện tại, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng việc giải quyết vấn đề về vàng là rất khó khăn. Ông nhận định, nếu cho phép người dân mua vàng tự do sẽ phá vỡ cân đối vĩ mô, vì khi đó cần một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận hy sinh một điểm nghẽn này để giải quyết một điểm nghẽn lớn hơn, đó là ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Ngân kỳ vọng, khi nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hoặc Đà Nẵng được thông qua, việc thiết lập các sàn giao dịch hàng hóa bao gồm cả sàn giao dịch vàng sẽ được xem xét, giúp giải quyết vấn đề đầu tư và đầu cơ vàng trên thị trường quốc tế.