Người dân lại “phát sốt” vì giá vàng: Đã đến lúc chấm dứt chương trình “bình ổn”?

Ngay từ đầu giờ sáng ngày 24/10, nhiều cửa hàng vàng ở Hà Nội, người dân tiếp tục xếp hàng dài để chờ mua vàng. Thậm chí nhiều cửa hàng buộc phải phát số để giới hạn lượng khách giao dịch, nhưng chỉ sau vài giờ nhiều cửa hàng đã thông báo “hết hàng” và hẹn khách quay lại sau.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh, giá vàng nhẫn tăng cao “chưa từng có” lên mức gần 88 – 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng đang được Công ty SJC niêm yết ở mức giá 87 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, giá mua vào vàng nhẫn của các công ty cao hơn vàng miếng SJC cả triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, ở mức giá hiện tại, giá vàng trong nước đang tiến dần tới mức đỉnh 92 triệu đồng/lượng được thiết lập trước khi có các giải pháp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Người dân xếp hàng nhiều giờ vẫn chưa mua đủ nhu cầu

Theo quan sát tại phố Trần Nhân Tông - nơi được xem là “phố vàng” của Hà Nội, dù sau 9h các cửa hàng vàng mới niêm yết giá giao dịch mua vào - bán ra, nhưng từ 7h sáng, nhiều người dân đã chờ mua vàng.

Bà Thục Anh (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhiều ngày nay đã phải canh từ sớm trên con phố này, cửa hàng nào mở bán là đến hỏi mua vàng. Sau nhiều ngày xếp hàng, nhận số và chờ đợi, bà chỉ mới mua được 2 chỉ vàng nhẫn. Thậm chí, bà còn nhờ người bán trà đá ở gần đó theo dõi, nếu cửa hàng nào có người xếp hàng mua vàng thì gọi điện thoại báo ngay để tiếp tục mua.

Theo lời các nhân viên tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, ngay từ đầu buổi sáng, cả hai cơ sở trên phố Trần Nhân Tông đều đã hết sạch vàng miếng và vàng nhẫn. Dù vậy, phía ngoài vẫn có nhiều người chờ đợi, phần lớn được thuê đi xếp hàng mua vàng. Tình trạng khan hiếm tương tự cũng diễn ra ở các cửa hàng Doji và SJC, khiến nhiều người mua phải thất vọng ra về.

gia-vang-1729764766.jpg
Giá vàng nhẫn đang "vượt mặt" vàng miếng SJC ở chiều mua vào

Tương tự, tại cửa hàng Phú Quý, lượng khách xếp hàng chờ mua vàng rất đông. Một người cho biết do các cửa hàng lớn xung quanh đã hết vàng, chỉ còn cửa hàng này còn hàng, nên mọi người đổ dồn về đây. Tuy nhiên, đến khoảng 10h sáng, cửa hàng cũng phải treo biển thông báo "tạm hết các sản phẩm vàng tích trữ”.

Những người đến sau được các nhân viên của cửa hàng thông báo hết vàng bán ra chỉ thực hiện giao dịch mua vào các sản phẩm vàng miếng, vàng nhẫn ngay từ…vỉa hè. Lý giải nguyên nhân khan hiếm vàng, các chuyên gia cho rằng tình trạng khan hiếm vàng miếng và vàng nhẫn có thể do nhiều người găm giữ chờ giá lên. NHNN chưa có động thái nhập khẩu vàng nguyên liệu, cộng với việc triệt phá các đường dây vàng lậu khiến nguồn cung vàng hạn chế.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá vàng tăng mạnh từng giờ và trở nên hỗn loạn. Một số người mua vàng rao giá ở mức 90,2 - 90,5 triệu đồng/lượng, nhưng những người bán lại đẩy giá lên tới 91,8 - 92 triệu đồng/lượng. Việc mua vàng trở nên khó khăn, giá liên tục tăng khiến những người đang nắm giữ vàng càng không muốn bán, càng làm cho nguồn cung trở nên nhỏ giọt.

Cẩn trọng một sự sụp đổ của giá vàng

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới nhận định, vàng nhẫn trên thị trường đang khan hiếm, khiến giá bị đẩy lên cao và tăng theo chiều hướng của giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC hiện đang được kiểm soát ở mức thấp. Điều này khiến thị trường vàng rơi vào tình trạng “cứng ngắc” giao dịch, kể cả với vàng nữ trang.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đánh giá, dù vàng không phải là một mặt hàng thiết yếu nhưng lại được "tôn sùng" trong nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua các con số về cung – cầu thị trường vàng Việt Nam với tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất trong 10 năm qua (theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới).

Bởi lẽ, người dân Việt Nam có nhu cầu lớn về vàng trang sức, vàng để tích lũy, làm nguyên liệu sản xuất, và dùng để đầu tư. Trong khi, giá vàng luôn nhạy cảm với các biến động kinh tế và những biện pháp quản lý của nhà nước, có thể ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô.

vang-1729764813.jpeg
Thị trường vàng đang giao dịch "cứng ngắc" cả với vàng nữ trang

Ông Hiếu cho rằng tại thời điểm hiện tại, việc đầu tư mua vàng đối mặt với nhiều rủi ro do giá vàng đang tăng "nóng" và có thể xảy ra cú sập giá bất ngờ. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia vàng Nguyễn Duy Phương cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro khi giá vàng tăng quá "nóng" có thể dẫn đến sự suy giảm giá bất ngờ.

"Giá vàng đã tăng rất nhanh, và khả năng cao sẽ có một đợt điều chỉnh giá mạnh. Chúng ta không thể chắc chắn khi nào giá vàng sẽ giảm, tình hình hiện tại rất căng thẳng. Do đó, đầu tư vàng lúc này rất rủi ro, cả người mua và người bán đều phải cẩn trọng. Nhà đầu tư nên đợi đến khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm khoảng 50 - 70 USD/ounce mới nên mua, để đảm bảo tỷ suất sinh lời cao hơn," ông Phương chia sẻ.

Dựa trên thực tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng, dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực và biện pháp mạnh tay trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, nhưng vẫn chưa thể dập tắt cơn "sốt nóng" trên thị trường vàng, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn.

Giải pháp bền vững lâu dài để quản lý thị trường vàng, theo ông, là sửa đổi Nghị định 24 theo hướng NHNN sẽ giao việc nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp có uy tín và năng lực tài chính, tập trung vào vai trò quản lý thay vì tham gia trực tiếp vào thị trường vàng.

Đồng thời, cần chấm dứt chương trình bình ổn giá vàng miếng và cho phép thị trường vàng miếng và vàng nhẫn hoạt động theo quy luật cung - cầu. Ngoài ra, cần kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi buôn lậu vàng.