Chuyên gia: Hiện tượng khan hiếm vàng có thể do người dân không bán ra

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng khan hiếm vàng miếng và vàng nhẫn có thể do người bán ra ít hơn người mua vào, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng giá vàng tăng cao hơn.

Trong phiên giao dịch sáng 18/10, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá vàng nhẫn tăng thêm 450.000 - 500.000 đồng/lượng, đưa giá bán ra lên gần 85 triệu đồng/lượng và giá mua vào lên 83,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng cũng được các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC niêm yết ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Đáng chú ý, nhiều hệ thống kinh doanh vàng tại Hà Nội và TP.HCM thông báo hết hàng nhẫn trơn khi giá tăng mạnh. Khách hàng phản ánh rằng dù có tiền cũng khó mua được vàng tại các cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn cung trong nước không quay vòng

Nguyên nhân của việc giá vàng liên tục tăng trong thời gian qua được xác định do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Nga - Ukraine và bán đảo Triều Tiên khiến giới đầu tư tìm đến vàng như tài sản an toàn, đẩy giá vàng thế giới vượt mốc 2.700 USD/ounce, kéo theo giá vàng trong nước tăng.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng, với việc các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất, làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Cùng với đó, nguồn cung vàng miếng SJC hạn chế khiến người dân chuyển sang mua vàng nhẫn, đẩy giá vàng nhẫn lên cao. Chưa kể, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, khiến vàng trở thành lựa chọn ưu tiên.

Liên quan đến việc cả vàng nhẫn và vàng miếng đều khó mua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, điều này phản ánh nhu cầu đầu tư vàng của người dân tăng cao nhưng nguồn cung lại bị siết bởi một loạt biện pháp kiểm soát thị trường vàng của cơ quan chức năng.

vang-nhan-1-1729236329.jpg
Trong phiên giao dịch sáng 18/10, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá vàng nhẫn tăng thêm 450.000 - 500.000 đồng/lượng, đưa giá bán ra lên gần 85 triệu đồng/lượng

Cũng theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng hiện giống như "quả bong bóng, bóp đầu này thì phình đầu kia", khi vàng miếng bị kiểm soát thì nhu cầu về vàng nhẫn tăng cao. Hiện tượng khan hiếm vàng miếng và vàng nhẫn có thể do nhiều người vẫn đang nắm giữ vàng và chưa bán ra, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi giá vàng tăng cao hơn để bán.

Nếu tình trạng sốt vàng nhẫn tiếp tục, ông Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp. Thực tế, hiện tượng khan hiếm vàng nhẫn đã từng xảy ra trước đây, thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán và ngày vía Thần Tài, do nhu cầu cao nhưng nguồn cung hạn chế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lý giải, lâu nay, vàng nhẫn trơn thường được mua làm quà biếu tặng, nhưng hiện tại, nhiều người tìm mua để tích lũy khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục. Dù giá tăng, nhiều người vẫn mua để tích lũy, không phải đầu tư ngắn hạn, nên họ không lo ngại việc mua ở đỉnh giá.

Ngoài ra, với dự báo rằng giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng, người dân tin rằng vàng trong nước cũng sẽ hưởng lợi. Bởi lẽ, về bản chất, vàng nhẫn tròn trơn là vàng nguyên chất, tương tự như vàng miếng nhưng lại không bị độc quyền bởi Nhà nước thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng.

Giải pháp nào cho nguồn cung?

Nhu cầu đầu tư cao trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến các đầu mối đẩy giá vàng nhẫn lên gần bằng giá vàng miếng SJC. Điều đáng chú ý là giá mua vào của vàng nhẫn đã có lúc cao hơn giá mua vào của vàng miếng SJC, một hiện tượng rất hiếm gặp trước đây.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi dự báo, trong ngắn hạn giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Trong trung và dài hạn, giá vàng vẫn có cơ hội giảm nếu tình hình địa chính trị ổn định và các nền kinh tế lớn phục hồi.

Khi đó, dòng tiền có thể rời khỏi vàng và chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và trái phiếu, giảm áp lực lên giá vàng nhẫn. Tuy nhiên, nếu bất ổn kéo dài và chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục, giá vàng nhẫn có thể duy trì ở mức cao, thậm chí còn tăng thêm nếu các yếu tố hỗ trợ vẫn tồn tại.

nguoi-mua-vang-1729236400.jpg
Nhu cầu đầu tư cao trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến các đầu mối đẩy giá vàng nhẫn lên gần bằng giá vàng miếng SJC

Do đó, để ổn định thị trường vàng nhẫn, cần điều tiết cân đối giữa cung vàng nhẫn và vàng miếng SJC. Việc tăng cường nguồn cung vàng miếng sẽ giúp người dân dễ tiếp cận, giảm áp lực lên vàng nhẫn, cân bằng cung cầu và ổn định giá.

Bên cạnh đó, mở rộng các kênh đầu tư khác như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển dự án nhà ở xã hội, và nâng hạng thị trường chứng khoán cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào vàng. Việc phát triển thị trường trái phiếu an toàn cũng góp phần làm giảm áp lực lên thị trường vàng.

Bổ sung thêm giải pháp, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng cần mua lại vàng đã bán, kể cả vàng từ các đơn vị khác và nên gỡ bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Việc sửa đổi Nghị định 24 để cho phép nhập khẩu vàng và liên thông thị trường trong và ngoài nước sẽ đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Hiếu cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên giao quyền nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh uy tín, đồng thời rút lui khỏi vai trò nhà nhập khẩu để tập trung vào quản lý. Điều này sẽ giúp nguồn cung vàng dồi dào và ổn định hơn.