Thu phí vào nội đô: Liệu có chuyển từ ùn tắc giao thông sang áp lực về mật độ dân cư?

Với tình hình hiện tại ở Hà Nội, chuyên gia lo ngại nếu áp dụng thu phí vào nội đô ngay lúc này, người dân có thể sẽ chuyển đến sinh sống trong khu vực nội đô để tránh phí di chuyển. Điều này có thể gây ra áp lực về mật độ dân cư tại khu vực trung tâm.

Mức phí dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt

Mới đây, Hà Nội đã tổ chức họp thảo thảo luận và xem xét thông qua một số nội dung trong Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án dự kiến sẽ được trình HĐND thành phố xem xét và quyết định trong phiên họp cuối năm vào tháng 12/2024.

Đề án "Giao thông thông minh" gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành giao thông, giảm ùn tắc và bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

thu-phi-1-1730954386.jpg
Đề án thu phí vào nội đô được kỳ vọng sẽ giúp tình trạng ùn tắc được cải thiện đáng kể

Cụ thể, đề án sẽ triển khai các biện pháp như xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera; ứng dụng hệ thống đèn giao thông thông minh; phát triển các ứng dụng giao thông thông minh qua điện thoại di động; triển khai hệ thống thu phí tự động; xây dựng hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị tập trung; phát triển các giải pháp cho phương tiện công cộng; tăng cường đào tạo, nâng cao ý thức giao thông cho người dân.

Về phần hệ thống thu phí tự động, đề án sẽ bao gồm việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các tuyến đường chính và các trạm thu phí nhằm giảm ùn tắc và tăng cường tính minh bạch trong quá trình thu phí giao thông. Đồng thời, các trạm thu phí tự động cũng sẽ được nâng cấp và hoàn thiện để tích hợp với hệ thống vé tháng, vé năm cho phương tiện công cộng.

Trong phần xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera, đề án xác định sẽ lắp đặt các camera giám sát tại các ngã tư, các tuyến đường lớn và những điểm "nóng" giao thông. Hệ thống camera không chỉ có nhiệm vụ ghi nhận tình hình giao thông mà còn hỗ trợ phát hiện và xử lý các vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường...

Liên quan đến đề án này, trao đổi trên Báo Tiền Phong, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình - Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, đơn vị được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lựa chọn tư vấn xây dựng dự thảo đề án thu phí vào nội đô. Từ thực tế giao thông trong giai đoạn 2021 - 2023, đơn vị đã hoàn thiện cơ bản đề án thu phí xe vào nội đô, trình Sở Giao thông Vận tải để tiếp tục thảo luận và thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, sau khi hoàn thiện đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô, với trọng tâm là xây dựng 87 trạm thu phí ô tô cá nhân (tính từ Vành đai 3 trở vào), đề án đã được Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND thành phố 3 lần. Đề án được cập nhật và bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, phạm vi ranh giới khu vực thu phí giữa nội thành và ngoại thành đã được mở rộng, phù hợp với Luật Thủ đô mới. Ranh giới xác định giữa khu vực nội thành và ngoại thành sẽ là tuyến đường Vành đai 3.

Số lượng trạm thu phí ô tô cũng tăng thêm so với các lần báo cáo trước vào năm 2020 và 2022. Thay vì chỉ xây dựng 87 trạm thu phí như ban đầu, trong lần báo cáo mới đây, đơn vị đã khảo sát và đề xuất tăng lên hơn 100 trạm thu phí. Mức phí được đơn vị tư vấn đề xuất cho một lượt xe ô tô tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi) đi vào nội đô sẽ dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt, tùy thuộc vào quyết định của thành phố.

Theo kết quả khảo sát trong đề án, nếu mỗi giờ, mỗi nút giao thông trên tuyến Vành đai 3 có khoảng 5.000 lượt xe đi vào nội đô, thì khi triển khai đề án, sẽ giảm được khoảng 20% số lượng xe không có nhu cầu vào trung tâm thành phố. Với lưu lượng xe hiện tại, nếu giảm 20% lượng xe vào giờ cao điểm khu vực nội đô, tình trạng ùn tắc sẽ được cải thiện đáng kể.

Bà Bình cho biết thêm, đơn vị đang tiến hành khảo sát xã hội học dưới hình thức trực tuyến để thu thập ý kiến từ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đề án, nhằm làm cơ sở cho Sở Giao thông Vận tải trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt mức phí phù hợp.

thu-phi-1730954386.jpg
Việc thu phí vào nội đô ở Hà Nội sẽ khó khả thi khi cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng còn yếu

Cần có mục tiêu rõ ràng

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, mặc dù đề án cơ bản đã hoàn thiện, nhưng hai nhóm giải pháp trọng tâm, quan trọng nhất vẫn đang trong quá trình triển khai. Đó là lập đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô và phân vùng dừng hoạt động của xe máy. Tiến độ đề án vẫn đang chậm so với yêu cầu đề ra.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, để Hà Nội thực hiện thu phí vào nội đô, trước tiên cần xác định rõ mục tiêu của việc thu phí. Nếu mục đích thu phí là để huy động vốn xây dựng hạ tầng, giống như ở London (Anh), mức phí sẽ khác so với mục đích giảm ô nhiễm không khí, khi đó mức phí cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.

Mỗi mục tiêu sẽ có những giải pháp riêng. Nếu chỉ nhắm vào việc thu tiền, mức phí cao có thể không khả thi. Thành công của việc thu phí vào nội đô phụ thuộc vào việc thành phố xác định rõ mục tiêu. Nên tránh đa mục tiêu, thay vào đó tập trung vào một số mục tiêu cụ thể để giải quyết vấn đề.

Còn Tiến sĩ Phan Lê Bình - chuyên gia từ JICA cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Để giải quyết vấn đề giao thông tại Hà Nội một cách hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng và quy hoạch lại không gian đô thị, bao gồm việc giảm mật độ dân cư trong khu vực nội đô.

Theo ông, nếu trong 5 - 10 năm tới, khu vực nội đô vẫn tập trung các cơ quan hành chính, trung tâm thương mại, trường học... thì dù thành phố có thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt xe ô tô, người dân vẫn sẽ sẵn sàng trả phí để vào trung tâm thành phố vì các công việc cấp bách.

Một chuyên gia giao thông khác đánh giá, việc thu phí vào nội đô ở Hà Nội sẽ khó khả thi khi cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng còn yếu. Ông dự báo phải mất rất nhiều năm nữa, chứ không thể kỳ vọng đến năm 2027, Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân.

Với tình hình hiện tại ở Hà Nội, chuyên gia lo ngại nếu áp dụng thu phí vào nội đô ngay lúc này, người dân có thể sẽ chuyển đến sinh sống trong khu vực nội đô để tránh phí khi di chuyển. Điều này có thể gây ra áp lực về mật độ dân cư tại khu vực trung tâm.