Tại sao "xe ghép”, “tiện chuyến” phát triển rầm rộ dù trái quy định?

Vài năm trở lại đây, loại hình xe ghép, xe đi chung được hành khách rất ưa thích. Những xe này thường không đăng ký kinh doanh vận tải, không phù hiệu nhưng vẫn ngang nhiên gom, đón trả khách.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân quê Thái Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trước đây, mỗi lần về quê, chị phải ra bến xe Giáp Bát, bắt xe khách về quê. Nhưng vài năm nay, chị thường gọi xe ghép, đưa đón tận nơi để về quê.

Chị Vân chia sẻ, từ ngày biết đến xe ghép chuyến, chị đã chuyển hẳn sang sử dụng loại hình này mỗi dịp về quê. Chị có con nhỏ, gọi xe đưa đón tận nơi rất tiện. Chị lên xe tại điểm đón ở Hà Nội và được đưa về tận nhà tại Thái Bình.

Giá cước từ Hà Nội về đến nhà chị là 250.000 đồng/người. Vào dịp nghỉ lễ, Tết, mức giá này tăng lên 300.000 đồng/người. So ra nếu đi xe khách tại bến thì cũng không chênh lệch giá nhiều. Bởi ngoài tiền vé xe khách, chị còn phải mất thêm phí xe từ nhà ở Hà Nội ra bến và phí từ bến về nhà ở Thái Bình.

Chị Vân cho biết, không chỉ chị mà những người quen của chị giờ cũng về quê bằng xe ghép, mọi người ngại ra bến xe đông đúc, xô bồ.

xe-ghep-1-1713528850.jpg
Vài năm trở lại đây, loại hình xe ghép, xe đi chung rất được hành khách ưa thích

Một lái xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội chia sẻ, anh đang tham gia một nhóm xe ghép trên zalo. Nhóm này có đến 2.000 thành viên, đều là tài xế chạy xe ghép. Nhóm được lập ra chủ yếu là để các tài xế tìm kiếm và chia sẻ khách đi xe với nhau. Theo đó, tài xế nào có khách liên hệ ghép xe lên Hà Nội hoặc về Thái Bình mà không tiện lộ trình thì có thể đăng lên đây để tài xế khác nhận chở.

Vài năm trở lại đây, loại hình xe ghép, xe đi chung này phát triển rầm rộ. Trên mạng xã hội, chỉ cần gõ từ khóa "xe đi ghép", "xe đi chung", "xe tiện chuyến" là cho ra kết quả hàng loạt hội nhóm công khai, dày đặc những thông tin "xe tìm người", "người tìm xe" từ Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… đi khắp các địa phương lân cận, với đủ loại phương tiện từ 5 chỗ, 7 chỗ đến 16 chỗ.

Dù hoạt động trái phép, nhưng vì tiện lợi nên "xe đi ghép", "xe đi chung" rất được khách hàng ưa chuộng. Thậm chí, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều hành khách còn bảo vệ tài xế bằng cách nhận là người nhà khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, do không có căn cứ để lập biên bản.

Ông Lê Tuấn Giang - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Yên Bái) cho biết, bản chất của những chiếc xe đi ghép, đi chung là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách không đăng ký. Đây là một hình thức "lách luật" để trốn thuế, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng với các loại hình vận tải hành khách khác, nhất là những tuyến cố định.

Thấy tiện nên nhiều người sử dụng mà chưa nhận thức được những rủi ro có thể gặp phải khi đi loại xe này. Việc không thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải, thu tiền hành khách mà không có vé dẫn đến trường hợp nếu xảy ra tai nạn, cướp giật, sự cố hay bắt chẹt… hành khách sẽ không được bảo vệ quyền lợi.

Điển hình như cuối tháng 2 vừa qua, một nữ hành khách tố bị phụ xe khách hành hung vì thắc mắc giá vé cao khi đi từ Bắc Ninh về Quảng Ninh. Chiếc xe có BKS 14D-042.78 nền trắng và không đăng ký kinh doanh vận tải.

xe-ghep-1713528849.jpg
Đi xe ghép, hành khách thường trả tiền mặt và không có vé

Theo ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, hiện nay rất khó thống kê số lượng xe ghép, xe đi chung ở các tỉnh, thành chạy về Hà Nội. Nguyên nhân là vì các xe này hoạt động "chui", không chịu sự quản lý nào.

Ông Bằng chia sẻ, loại hình di chuyển này nở rộ từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nó xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân. Loại hình này có ưu điểm nhưng cũng nhiều mặt trái nên cần sớm có giải pháp quản lý.

Một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ đã đề xuất cấm hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu, đưa ra các chế tài xử lý loại hình "xe đi ghép", "xe đi chung" hiện nay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, việc quy định hành vi bị cấm cũng sẽ là cơ sở để quy định các trách nhiệm khác của chủ xe, trong đó có việc trốn thuế. Khi luật được ban hành, bên cạnh đưa ra chế tài xử lý hành chính, có thể nghiên cứu thêm hình phạt bổ sung để tạo răn đe như giữ phương tiện trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, không chỉ dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính mà cần thu hồi phương tiện, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không xử lý quyết liệt sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho hay, các xe cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn gom khách làm ảnh hưởng rất lớn đến các hãng xe. Những xe này không đổi biển vàng, cũng không lắp thiết bị giám sát hành trình nên rất khó xác định vi phạm cũng như hành trình.

Những xe này quảng cáo công khai trên mạng xã hội. Thế nên, khi đưa vào quy định cấm, ngoài ngành Giao thông, Công an thì còn cần sự vào cuộc của ngành Thông tin và truyền thông để xử lý tận gốc. Các Sở Thông tin và truyền thông cần quyết liệt rà soát và xử lý nghiêm các thông tin quảng cáo công khai với nội dung trái quy định pháp luật của "xe đi ghép", "xe đi chung" trên mạng xã hội. Như vậy mới ngăn chặn được việc tiếp cận hành khách của loại hình vận tải này.