Mới đây, Thượng tá Cao Văn Thịnh - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thông qua hệ thống hơn 200 camera giám sát giao thông, từ ngày 15/9/2023 đến nay, đơn vị đã phát hiện 4.245 trường hợp vi phạm. Những lỗi vi phạm giao thông của các phương được công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tự động ghi nhận chính xác. Tất cả trường hợp bị “phạt nguội” đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nên có tính răn đe cao.
Theo thượng tá Cao Văn Thịnh, tổng số tiền xử “phạt nguội” là hơn 10 tỷ đồng. Hiện đã 780 trường hợp đã nộp phạt với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Tại Vĩnh Phúc, hệ thống camera giám sát bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động ghi nhận 350 - 400 trường hợp vi phạm tốc độ mỗi tuần.
Các trường hợp vi phạm giao thông chủ yếu do lỗi chạy quá tốc độ. Nhiều trường hợp vi phạm tốc độ trên 120km ở tuyến đường giới hạn 60km/h. Với lỗi vi phạm trên, theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021 của Chính phủ) thì ngoài bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng, tài xế còn bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Thượng tá Cao Văn Thịnh thông tin thêm, khi có thông báo “phạt nguội” vì vi phạm tốc độ, nhiều người phản ánh rằng camera AI bắt lỗi chưa đúng. Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị đưa một số phương tiện ra đúng cung đường mà tài xế phản ánh để test chạy thử tốc độ. Kết quả cho thấy, tốc độ phương tiện di chuyển thực tế và tốc độ camera AI ghi nhận hoàn toàn chính xác.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, thời gian gần đây, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt nguội. Người dân cần cảnh giác và không tin tưởng, làm theo những cuộc gọi hay tin này này. Bởi tất cả các trường hợp vi phạm luật giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (phạt nguội) đều được CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện có vi phạm. Thông báo này đề nghị người vi phạm tới đơn vị phát hiện vi phạm để tiến hành xử lý.
Một số trường hợp, chủ xe có thể được mời đến trụ sở công an cấp xã/phường để tiếp nhận thông báo từ CSGT. Hoặc, lúc làm thủ tục đăng kiểm phương tiện, cơ quan đăng kiểm sẽ thông báo về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.
Cục CSGT nhấn mạnh, Cục không sử dụng điện thoại để thông báo về vi phạm trật tự an toàn giao thông và không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Do đó, Cục CSGT khuyến cáo người dân cần duy trì tinh thần cảnh giác và không tiết lộ thông tin cá nhân như số căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ ai.