Thay vì chỉ "1 hoặc 2 con”, vợ chồng được tự quyết sinh bao nhiêu phù hợp

Nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, tránh được nguy cơ già hóa dân số, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền tự quyết định việc sinh con, số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, thu nhập…

Trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho hay, 12 năm qua, mức sinh thay thế giảm đáng kể và dự báo sẽ tiếp tục giảm vào những năm tới đây. Theo đó, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ, năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ.

Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Đáng báo động là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Mức sinh tại 2 khu vực này hiện xuống sâu khoảng 1,5 con/phụ nữ. Trong khi đó, ở một số nơi có điều kiện xã hội, kinh tế vẫn khó khăn, mức sinh lại cao, thậm chí rất cao với trên 2,5 con/phụ nữ.

sinh-con-1-1720656879.jpeg
Mức sinh thay thế ở nước ta giảm đáng kể trong 12 năm qua

Để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền tự quyết định việc sinh con, thời gian sinh con và số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, thu nhập, điều kiện học tập, lao động, công tác và nuôi dạy con.

Đây là một sự thay đổi so với Pháp lệnh Dân số hiện hành vốn quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Bộ Y tế nhấn mạnh, chính sách mới này sẽ giúp khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, tránh được nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chỉ rõ, để thực hiện giải pháp này, Nhà nước cần đảm bảo ngân sách để thực hiện hỗ trợ, tuyên truyền vận động, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho những đối tượng thực hiện chính sách. Ngoài ra, phải thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành Luật, tránh việc lợi dụng quy định quyền tự quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để tuyên truyền, vụ lợi, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.

TS.BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. HCM) chia sẻ, đề xuất này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Thậm chí, đề xuất này cần sớm hơn vì thực trạng dân số nước ta hiện chưa giàu đã già. Đồng thời tỷ suất sinh ở các khu vực thành thị đang xuống thấp đáng e ngại. Điển hình như tại TP. HCM, mức sinh năm 2023 chỉ là 1,32 con/phụ nữ. Mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai.

sinh-con-1720656879.png
Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định sinh bao nhiêu con

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Giang Thanh Long - khoa Kinh tế học Trường đại học Kinh tế quốc dân, chuyên gia trong lĩnh vực dân số đánh giá, mức sinh ngày càng thấp không phải ở các chính sách về pháp lệnh dân số mà do nhận thức của người dân về việc sinh con hiện đã thay đổi. Nhiều gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện để sinh con thứ ba, tuy nhiên họ lựa chọn dừng lại ở 1 đến 2 con.

Nguyên nhân là bởi họ sẽ có thời gian chăm sóc con cái, bảo đảm các điều kiện chăm sóc tốt nhất. Nếu sinh thêm con, nghĩa là gánh nặng lên gia đình nhiều hơn, vì vậy giống như các nước, người Việt cũng có xu hướng sinh con ít hơn, đặc biệt ở vùng có kinh tế tốt hơn.

GS.TS Giang Thanh Long chia sẻ, dù mức sinh thay thế chung cả nước hiện chưa ở mức báo động nhưng cũng cần có những chính sách để "đón đầu". Điều quan trọng là những chính sách an sinh phải bảo đảm việc nuôi dạy con cái thì các cặp vợ chồng mới an tâm sinh con. Nếu sinh một đứa trẻ nhưng phải lo lắng con học ở đâu, học trường nào, có hay không có nhà ở… thì các cặp vợ chồng sẽ rất khó khăn cho việc lựa chọn sinh con. Do đó, cần đảm bảo các chính sách an sinh, đảm bảo môi trường học tập, chăm sóc sức khỏe…