Tốc độ già hóa dân số quá nhanh, cần đào tạo nghề nghiệp giúp người lớn tuổi mưu sinh

Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất các chính sách thích ứng với già hóa dân số, dân số già, trong đó có nội dung đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi.

Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong ba thập niên từ năm 1979 - 2009, số dân trên 60 tuổi tăng 0,06%/năm. Nhưng chỉ riêng hai năm 2019 - 2021, số người trên 60 tuổi đã tăng thêm 1,7 triệu người, trung bình tăng 0,5%/năm.

Số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tính đến ngày 9/2/2022, số người trên 60 tuổi của nước ta là hơn 16,1 triệu người. Tại Việt Nam, thời gian chuyển đổi từ "già hóa dân số" sang "dân số già" ngắn hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Dự báo đến năm 2036, nước ta sẽ có dân số già, tới năm 2069 thì dân số sẽ rất già.

lao-dong-lon-tuoi-2-1720604137.jpg
Hiện vẫn còn nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường buôn bán, mưu sinh (Ảnh: VOV2)

Riêng tại TP. HCM, số người cao tuổi bắt đầu tăng từ năm 2017. Số liệu thu thập từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an đến ngày 1/12/2023, TP. HCM có 1.338.680 người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,24% trên tổng số dân số.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn hiện nay là còn nhiều người 60, 70 tuổi phải ra đường buôn bán, mưu sinh. Nguyên nhân là do tỷ lệ người cao tuổi không được hưởng bảo hiểm xã hội, không được nhận trợ giúp xã hội còn cao. Thêm vào đó, đa số người cao tuổi có lương hưu lại ở mức thấp.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2016, nam giới đến tuổi hưu, trung bình sống thêm 18,3 năm, còn với nữ là 24,7 năm. Trong số người cao tuổi, nhiều người vẫn khỏe mạnh, có khả năng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Họ vẫn có nhu cầu lao động và vẫn có thể tiếp tục làm việc để bù đắp cho thu nhập bị giảm sút.

Tuy nhiên, vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi hiện còn hạn chế. Cả nước có trên 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp. Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34% mức lương bình quân trên thị trường.

Như mới đây, cư dân mạng bị thu hút bởi một đoạn clip ghi lại cảnh một nữ shipper (người giao hàng) lớn tuổi cẩn thận xếp từng tờ tiền lẻ vào chiếc bao ni-lông. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (65 tuổi), sống tại một nhà trọ trên đường Nguyễn Bá Giao (quận Bình Thạnh, TP. HCM).

Ở tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, an hưởng thì bà Ánh vẫn bươn trải mưu sinh mỗi ngày. Hàng ngày, bà đi làm từ 8h, khoảng 20h mới về nhà, thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày (chưa trừ các chi phí xăng xe, ăn uống,…). Mỗi tháng, sau khi trả 1,6 triệu đồng tiền nhà trọ, bà Ánh chỉ còn một khoản tằn tiện lo sinh hoạt.

lao-dong-lon-tuoi-1720604018.png
Ở tuổi 65, bà Ánh vẫn làm shipper để mưu sinh

Bà Ánh chia sẻ, lớn tuổi rồi, công việc chạy xe với bà cũng vất vả hơn, nhất là khi phải chở đồ nặng. Bà từng bị té xe đến gãy tay, gãy chân. Nhưng cứ hồi phục là bà trở lại công việc, phải tự lo thân mình. Thế nhưng, bà Ánh chưa từng thấy tủi thân. Bà bảo, công việc cũng là niềm vui sống, đồng tiền tự làm ra là đồng tiền đáng quý.

Khảo sát từ cơ quan chức năng còn cho thấy, người cao tuổi ở thành thị thường có sức khỏe tốt hơn, kiến thức tay nghề cao hơn nhưng tỷ lệ hoạt động kinh tế chỉ có 20%. Điều này có nghĩa nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao chưa được tận dụng.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đề xuất xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước vào giao đoạn cao tuổi. Các ngành nghề này phù hợp với trình độ, sức khỏe, năng lực và nhu cầu thị trường. Xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi.

Bộ Y tế nhận định, các giải pháp này sẽ giảm bớt áp lực về dân số với những đô thị lớn và đảm bảo nguồn nhân lực đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng miền. Đưa lao động từ các khu vực đông dân nhưng ít tài nguyên sang khu vực ít dân mà giàu tài nguyên để tận dụng tối đa nguồn lao động cho quá trình phát triển.

Đồng thời, tăng cường đầu tư, phát triển kinh tế tại các vùng miền chưa được phát triển; hỗ trợ đẩy mạnh quá trình tái định cư và phân bố dân cư hợp lý; khuyến khích người dân sinh sống và làm việc tại các vùng đang thiếu hụt lao động.

Tuy nhiên để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng, Nhà nước cần đảm bảo ngân sách để tuyên truyền vận động và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.