Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm kiếm cơ hội thông qua M&A nửa cuối năm

Trong dự báo mới nhất, MBS cho rằng, hoạt động mua bán sáp nhập các dự án bất động sản là một phần quan trọng với thị trường ở nửa cuối năm 2024.

Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS Research) vừa công bố báo cáo cho biết, huy động vốn sẽ là một trong những hoạt động nổi bật của các công ty bất động sản trong nửa cuối năm 2024, nhằm tái cấu trúc nợ vay, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính về đất và chi phí phát triển dự án tăng cao.

Trong đó khi đó, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản chưa ghi nhận thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) dự án có quy mô, giá trị lớn nào. Năm 2023, hàng loạt ông lớn ngoại chi hàng triệu USD để mua lại một phần hoặc toàn bộ các dự án của doanh nghiệp nội.

Có thể để đến như Gamuda mua dự án ở TP Thủ Đức với giá hơn 300 triệu USD; Capitaland mua một phần dự án rộng 5,6 ha tại khu Smartcity Tây Mỗ của Vinhomes.

khai-hoan-prime-1717664819.jpg
Quỹ đầu tư FSK đến từ Nga muốn mua lại dự án Khải Hoàn Prime với giá 1.600 tỉ đồng

Theo đó, MBS đánh giá, hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ là một phần quan trọng trong 2024 của thị trường bất động sản. MBS lý giải, do sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu, hoạt động này sẽ giúp các chủ đầu tư củng cố thêm năng lực để duy trì hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh.

Cùng với đó, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm nhiều đến các loại hình bất động sản ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án nhà ở. Trong khi, lãi suất của Mỹ đã giảm đáng kể, giúp bên mua dễ dàng thu xếp vốn cho các thương vụ M&A.

Theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, một lượng vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Các nhà đầu tư từ Singapote, Malaysia...có khả năng vẫn tiếp tục "chiếm sóng". Hiện, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả tích cực, mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ, nhiều tiềm năng phát triển.

Nhận định của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở, khi thời gian qua, thị trường bất động sản đang xôn xao trước thông tin Quỹ đầu tư FSK đến từ Nga muốn mua các dự án hoặc quỹ đất phát triển được dự án bất động sản tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Trước đó, quỹ này đã có buổi làm việc với Khải Hoàn Land để mua lại dự án Khai Hoan Prime tại huyện Nhà Bè (TP.HCM). Mức giá mà FSK đưa ra là 1.600 tỉ đồng, trong đó thanh toán trước 1.000 tỉ đồng, 600 tỉ đồng sẽ được thanh toán sau khi dự án được chấp thuận ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Tuy nhiên, thương vụ vẫn đang trong vòng đàm phán.

mua-ban-sap-nhap-1717664979.jpg
Làn sóng M&A cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc ngành bất động sản

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM cho biết, "sóng ngầm" trong thâu tóm quỹ đất, tài sản đang lên cao với nhiều dự án đã được chuyển nhượng âm thầm với giá thấp, do thị trường rơi vào "vùng đáy". Trong năm 2024, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhiều hơn các thương vụ sang tên đổi chủ với giá trị hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhiều doanh nghiệp nội cũng rục rịch trở lại với kế hoạch mở rộng quỹ đất qua M&A dự án. Đơn cử như An Gia đặt mục tiêu mua 1-2 dự án mỗi năm tại TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai; Nam Long cũng có kế hoạch mở rộng thêm quỹ đất sạch, phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn…

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty gỗ An Cường đã tham gia vào Liên danh nhà thầu do Công ty CP Thắng Lợi Homes (thuộc Thắng Lợi Group) làm đại diện để đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa (tỉnh Long An) với mức đầu tư dự kiến gần 9.300 tỉ đồng.

Thương vụ hợp tác này của Gỗ An Cường được đánh giá là sự lựa chọn đúng đắn vì với mảng kinh doanh chính là gỗ nội thất, công ty chưa có kinh nghiệm về phát triển dự án bất động sản. Trong khi đó, hợp tác với An Cường sẽ giúp Thắng Lợi Homes có tiềm lực tài chính tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở của dân cư trong khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mang lợi thế cho doanh nghiệp, làn sóng M&A cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc ngành bất động sản. Bởi các công ty quy mô nhỏ và không đủ nguồn lực có thể lựa chọn sáp nhập hoặc bị thâu tóm để phát triển dự án. Điều này giúp tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng dự án bất động sản trên thị trường.