Theo cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển, trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với bất kỳ loại màn hình kỹ thuật số nào, bao gồm cả tivi. Các khuyến nghị sẽ giảm dần theo độ tuổi. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi chỉ nên dành tối đa 1 giờ mỗi ngày trước màn hình, trong khi trẻ từ 6 đến 12 tuổi có thể sử dụng chúng trong 2 giờ mỗi ngày. Đối với thanh thiếu niên, thời gian tiếp xúc với màn hình kỹ thuật số không nên quá 3 giờ mỗi ngày.
Những đề xuất của Thụy Điển được đưa ra sau khi các nghiên cứu của quốc gia này phát hiện trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực như ngủ kém hơn, trầm cảm và hạn chế hoạt động thể chất khi sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số.
Không chỉ Thụy Điển, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Ireland, Canada, Úc và Pháp cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc để trẻ em hạn chế tiếp xúc với các loại màn hình số.
Tại Pháp, các quy định đã trở nên nghiêm ngặt hơn, khi cho rằng trẻ em dưới 3 tuổi không nên có bất kỳ tiếp xúc nào trước màn hình. Khuyến nghị này xuất phát từ một báo cáo được công bố vào tháng 4 năm nay, theo lệnh của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trong khi đó, tại Ireland và Mỹ, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi chỉ có thể tham gia cuộc gọi video với gia đình và bạn bè.
Không chỉ hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị số, tại Mỹ, lệnh cấm điện thoại di động cũng đã được áp dụng tại nhiều trường học. Túi đựng điện thoại di động, tủ đựng đồ và thùng đựng điện thoại di động đã trở nên phổ biến hơn khi các lệnh cấm được ban hành.
Tuy nhiên, thực tế lệnh cấm không phải lúc nào cũng được thực thi triệt để, học sinh thường tìm cách lách luật như giấu điện thoại trong người. Một số phụ huynh thậm chí còn bày tỏ sự lo ngại rằng lệnh cấm có thể cắt đứt họ khỏi con cái nếu có trường hợp khẩn cấp.
Trong khi lệnh cấm đang được chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng chúng vẫn chưa đủ. Họ lập luận rằng, nên thay cấm bằng việc kích thích học sinh hướng ra các hoạt đông ngoài trời, ngoại khóa và khám phá nhiều hơn để lấp đầy thời gian trống. Học sinh cũng cần có các phương tiện để nói về các chủ đề cấm kỵ mà không sợ bị “hủy bỏ” trên mạng xã hội.
Một báo cáo của UNESCO năm 2023 cho biết trong khi công nghệ số có thể tăng cường giáo dục — thông qua môi trường học tập mới và mở rộng kết nối — thì nó lại phải trả giá bằng xã hội hóa và học tập thực tế. Những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng đóng một vai trò. Báo cáo cũng lưu ý đến những quy định không đầy đủ về việc sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép cho mục đích thương mại, cũng như việc phát tán thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trực tuyến. Báo cáo của UNESCO viết: “Những thách thức như vậy có thể hủy bỏ mọi lợi ích”.
Một nghiên cứu khác được công bố năm ngoái trên tạp chí JAMA Pediatrics đã nghiên cứu mối liên hệ tiềm ẩn giữa thời gian trẻ nhỏ xem màn hình và tình trạng chậm phát triển. Nghiên cứu cho biết: "Thời gian sử dụng màn hình nhiều hơn ở trẻ em 1 tuổi có liên quan đến sự chậm phát triển về giao tiếp và giải quyết vấn đề ở trẻ 2 và 4 tuổi".
Các nhà hoạch định chính sách và những người ủng hộ trẻ em ngày càng quan tâm đến mối quan hệ của thanh thiếu niên với điện thoại và mạng xã hội.
Mùa thu năm ngoái, hàng chục tiểu bang của Mỹ, bao gồm California và New York, đã kiện Meta Platforms, chủ sở hữu Instagram và Facebook, vì gây hại cho người trẻ và góp phần vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên bằng cách cố tình và có chủ đích thiết kế các tính năng khiến trẻ em nghiện.
Vào tháng 1, các CEO của Meta, TikTok, X và các công ty truyền thông xã hội khác đã ra trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ để làm chứng về tác hại của nền tảng của họ đối với người trẻ tuổi.
Hiện cơ quan y tế công cộng Thụy Điển đã kêu gọi các công ty công nghệ thay đổi thuật toán của họ để trẻ em không phải lướt mạng hàng giờ hoặc xem nội dung có hại.