Theo nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha của Trung Quốc, nước này đã bổ sung hơn 237.000 công ty mới tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nửa đầu năm nay, nâng tổng số lên 1,67 triệu công ty trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ này.
Đáng lưu ý, trong tổng số đó, hơn 1,48 triệu công ty – chiếm tới gần 90% mới chỉ được thành lập sau năm 2017, khi nước này công bố Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo thế hệ tiếp theo, trong đó nêu rõ mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ.
Số lượng công ty mới đăng ký liên quan đến AI hàng năm đã đạt kỷ lục hơn 467.000 vào năm ngoái. Sự gia tăng diễn ra ngay sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào ngày 30/11/2022 kéo theo làn sóng trí tuệ nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Lần đầu tiên công chúng có quyền truy cập vào một chatbot có thể nhanh chóng soạn email, xây dựng bài phát biểu hoặc tóm tắt tài liệu dựa trên lời nhắc đơn giản từ người dùng, sự thu hút và tiềm năng từ công nghệ này đã khiến các nhà đầu tư, tổ chức và doanh nghiệp đua theo.
Con số kể trên đã vượt qua 56.000 công ty mới đăng ký liên quan đến AI tại Trung Quốc đại lục vào năm 2018, một năm sau khi kế hoạch phát triển AI của Bắc Kinh được công bố, khi ngày càng nhiều công ty tranh nhau tham gia phát triển chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ hỗ trợ các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT.
Sự tăng trưởng số lượng công ty đăng ký liên quan đến AI phản ánh sự bùng nổ các kỳ lân công nghệ mới của Trung Quốc. Cho tới thời điểm hiện tại, nước này đã có tới 4 "con hổ AI" bao gồm Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax - mỗi công ty đều đã huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư giàu có.
Với sự thúc đẩy từ phía chính quyền, Trung Quốc rõ ràng đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn LLM. Nước này hiện có hơn 200 LLM khác nhau, đây chính là cơ sở tiền đề để phát triển các ứng dụng số có tính năng AI.
Điều bất ngờ là khi có quá nhiều mô hình LLM và ứng dụng AI lại vô tình khiến các công ty AI của nước này rơi vào tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, khiến giá dịch vụ AI giảm tới 97%, thậm chí có công ty còn cung cấp miễn phí. Sự cạnh tranh khốc liệt cũng đang cắt giảm số lượng các công ty AI trên thị trường. Năm ngoái, có gần 50.000 doanh nghiệp liên quan đến AI đã phải ngừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm việc thiếu kinh phí hoạt động. Hiện, còn khoảng 419.000, hoặc ít hơn 90%, các doanh nghiệp AI đại lục đã thành lập vào năm ngoái, vẫn tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn kiên trì triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp AI mới ra đời. Đầu năm nay, tại Kỳ họp Lưỡng hội - thuật ngữ chung chỉ các phiên họp toàn thể thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc - Thủ tướng Lý Cường đã giới thiệu sáng kiến AI Plus nhằm mục đích tích hợp công nghệ vào các ngành công nghiệp truyền thống để giúp thúc đẩy hiệu quả và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng có thể sẽ là đòn bẩy quan trọng để các công ty AI tiếp tục gia tăng và phát triển mạnh trong thời gian tới.