Thông tin được phát đi bởi Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử. Theo đó, Netflix sẽ hoạt động tại Việt Nam với hoạt động phát phim trên môi trường mạng. Nền tảng có thể cung cấp phim đã được phân loại và thông báo đến cơ quan quản lý. Do không đăng ký cung cấp dịch vụ truyền hình nên Netflix sẽ không được đăng tải các chương trình truyền hình khi hoạt động tại Việt Nam.
Thông báo của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nêu rõ: “Khi chính thức hoạt động dịch vụ tại Việt Nam từ ngày 23/12, Công ty Netflix đã cam kết chỉ phổ biến phim”.
Theo quy định tại Việt Nam, các nền tảng dịch vụ giải trí như Netflix, Apple, Amazon, Tencent, Iqiyi,... sẽ phải xác định rõ mô hình kinh doanh là dịch vụ truyền hình, phim hay cả hai và buộc phải tuân thủ theo mô hình kinh doanh đã đăng ký. Nếu chỉ là phim, họ sẽ tuân thủ Luật Điện ảnh sửa đổi và phải gỡ nội dung truyền hình. Trường hợp của Netflix tương ứng với quy định này. Với các doanh nghiệp lựa chọn mô hình kinh doanh dịch vụ truyền hình, phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó yêu cầu phải mở công ty tại Việt Nam.
Trước đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, đã phát hiện nhiều nội dung được phân loại là truyền hình xuất hiện trên nền tảng Netflix như Love on the Spectrum, Longest Third Date, Down For Love. Hiện một số vẫn tồn tại khi người dùng tại Việt Nam tìm và xem.
Ngày 12/12, Cục đã có văn bản yêu cầu công ty gỡ bỏ trên dịch vụ của mình, đồng thời tổ chức họp, phổ biến pháp luật về dịch vụ phát thanh, truyền hình với Netflix. Cục cho biết, đến hiện tại, Công ty Netflix đã chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý về điều chỉnh nội dung dịch vụ".
Trước đó, hồi tháng 10 năm nay, nền tảng Iqiyi cũng bị “tuýt còi” vì lỗi tương tự. Nền tảng của Trung Quốc chỉ có giấy phép về phát hành phim tại Việt Nam nhưng lại bị phát hiện âm thầm cung cấp dịch vụ truyền hình online. Từ tháng 4/2023, công ty này đã có văn bản báo cáo Bộ TT&TT về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và gỡ bỏ, không triển khai dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên nền tảng. Tuy nhiên, việc tuân thủ không đúng như báo cáo, Cục cũng đã đưa ra “tối hậu thư” đối với nền tảng này. Iqiyi sau đó cũng đã “rút kinh nghiệm, cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự”.
Trước đó nữa, trong năm 2023, một số nền tảng cũng đã rút khỏi Việt Nam như Prime Video của Amazon do đánh giá “thị trường Việt Nam còn nhỏ”, “khi tuân thủ quy định và hạ chương trình, họ thấ mô hình kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp, nên rút khỏi thị trường”.
Theo Cục này, trước đây các nền tảng nước ngoài được hưởng lợi nhiều so với nền tảng trong nước vì các quy định chưa thực sự phủ hết. Một số dịch vụ có hành vi vi phạm như trốn thuế, phát hành nội dung bị cấm. Vì vậy, khi quy định đã có, việc áp dụng một cách bất bình đẳng, một số doanh nghiệp đã lựa chọn rút khỏi thị trường. Đây là điều bình thường của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.