Theo các thông tin mới, Airbnb đang tập trung vào việc phát triển hoạt động cho thuê dài hạn, tức là thời gian lưu trú từ 28 ngày trở lên. CEO Brian Chesky chia sẻ với những người quan tâm tại một hội nghị du lịch vào cuối ngày thứ Tư vừa qua, nguyên nhân của động thái kể trên bắt nguồn từ việc các chính quyền địa phương trên khắp thế giới đã siết chặt hoạt động cho thuê ngắn hạn khi họ cố gắng tăng nguồn cung nhà ở cho cư dân toàn thời gian.
"Các kỳ nghỉ từ 30 đến 90 ngày, kỳ nghỉ hàng tháng, kỳ nghỉ theo mùa, tôi nghĩ đó là cơ hội tăng trưởng lớn", CEO Airbnb cho biết. Ông nói thêm rằng các đặt phòng cho thuê dài hạn đã tăng trưởng trong vài năm qua, hiện đạt mức tăng trưởng từ 17% đến 18%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng từ 13% đến 14% trước đại dịch.
Trước hết, công ty sẽ tập trung một phần vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê dài hạn và trải nghiệm, đồng thời cung cấp các dịch vụ mới như kết nối những người có nhà nhưng không sử dụng thường xuyên và những người có nhu cầu thuê ở lâu dài trên nền tảng cho thuê nhà này.
Chesky nói rằng công ty cũng coi danh sách nhà cho thuê tiềm năng là cơ hội doanh thu đầy hấp dẫn. Ông đã thấy được cơ hội của Airbnb dựa trên thực tế hoạt động của Uber và đối thủ cạnh tranh Booking Holdings'.
Hy Lạp và Tây Ban Nha là một trong những quốc gia mới nhất thắt chặt quy định về cho thuê nhà nghỉ dưỡng nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.
Airbnb cũng đang gặp nhiều vấn đề đối với các quy định tại New York về quản lý cho thuê ngắn hạn, kêu gọi thành phố nới lỏng các hạn chế vào đầu tháng này. Luật địa phương yêu cầu chủ nhà cho thuê ngắn hạn phải được thành phố cấp phép và tuân thủ các quy tắc về cư trú và quy định xây dựng và về giá cả. Các quan chức thành phố cho biết luật này giúp New York thực thi các quy định cho thuê của thành phố, điều mà nhiều chủ nhà đã vi phạm.
Mặc dù chi tiêu cho công tác kinh doanh toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, thực tế nhiều người tiêu dùng lại đang cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân, bao gồm việc chi tiêu cho du lịch.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường PYMNTS Intelligence có tên “ Giao dịch cuối cùng: Thói quen chi tiêu của gia đình cho thấy cơ hội kinh doanh trong bán lẻ và du lịch ” đã phản ánh được bức tranh toàn cảnh về thói quen chi tiêu của người dân, bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát.
“Về mặt du lịch, các cặp vợ chồng có con có khả năng mua dịch vụ du lịch gần đây cao hơn 77% so với các cặp vợ chồng không có con”, PYMNTS báo cáo vào tháng 7. “Tuy nhiên, mặc dù có khả năng mua dịch vụ du lịch cao hơn, nhưng chi tiêu cho mỗi chuyến đi của họ đã giảm. Số tiền trung bình mà người tiêu dùng chi cho dịch vụ du lịch trong 30 ngày trước khi được khảo sát đã giảm từ 389 USD vào năm 2022 xuống còn 326 USD”.