Bắc Ninh: Người dân rớt nước mắt nhìn nhà cửa bị sông Cầu “nuốt chửng”
Nhiều hộ dân sinh sống trong vùng bị sạt lở ven sông Cầu phường Vạn An (TP Bắc Ninh) buồn rầu chia sẻ, không tưởng tượng được tốc độ sụt lún lại nhanh đến như vậy, chỉ trong vài ngày từ việc sở hữu ngôi nhà khang trang họ bỗng dưng thành người vô gia cư.
Tài sản tích cóp cả đời trôi theo dòng nước
2h kém ngày 7/4, sau tiếng động lớn, bà Nguyễn Thị Thao (60 tuổi, khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An, TP Bắc Ninh) giật mình tỉnh giấc. Trước mắt bà, căn nhà 2 tầng khang trang là nơi sinh sống suốt 24 năm qua của gia đình đang đổ sập và sụt lún về phía dòng sông Cầu.
“Tôi không tưởng tượng được mọi chuyện lại xảy ra nhanh đến như vậy. Chúng tôi chỉ kịp lấy được chiếc giường, ti vi, quần áo và đồ dùng thiết yếu chứ những thứ khác bị cuốn sạch. Chỉ trong phút chốc mọi thứ ra sông hết”, bà Thao nghẹn ngào nói.
Theo lời bà Thao, ngày 7/3, khoảng 1/3 bếp và chuồng trại của gia đình bà Thao bị sập xuống sông và sau đúng 1 tháng toàn bộ tài sản của gia đình bà đã mất trắng. Hiện tại bà Thao phải đi ở nhờ nhà em gái.
“Nghĩ cơ cực vô cùng, cả đời người tích cóp giờ chìm hết xuống sông, không còn một cái gì cả. Chồng tôi vừa trải qua ca phẫu thuật khối u, còn tôi đang có lịch đi mổ nhưng giờ nhà cửa thế này thì tạm gác lại hết. Không còn cái gì để mà bấu víu được nữa”, bà Thao rơi nước mắt nói.
Ông Nguyễn Văn Lý, hàng xóm nhà bà Thao chia sẻ thêm, sau khi nghe tiếng đổ lớn giữa đêm, ông gọi vợ dậy lấy điện thoại thông báo cho chính quyền địa phương rồi hai vợ chồng già dắt díu nhau bỏ chạy.
Được biết, do hai căn nhà bên cạnh cùng đổ nghiêng nên căn nhà của ông Lý ở giữa bị va đập nghiêm trọng. Thậm chí khoảnh khắc hai ngôi nhà va chạm với nhau còn xuất hiện tia lửa và khói bốc lên.
“Tháng trước thì sạt lở lúc 11 giờ đêm, con trai phải cõng vợ tôi chạy vì bà ấy hoảng hốt đến ngất. Lần này thì sự việc diễn ra lúc 2h kém đêm nên mọi người hoảng loạn, chỉ biết bỏ chạy chứ không làm được gì. May rằng không có thiệt hại về người.
Tôi già rồi, đất cát không có, có mỗi căn nhà che nắng che mưa mà giờ thế này. Con trai sơ tán lên công ty nó làm còn hai vợ chồng tôi đi ở nhờ. Từ hôm qua đến nay tôi cứ lang thang thế này, còn cái gì nữa đâu mà vớt vát, chỉ còn chiếc giường với chiếc chăn mỏng và chiếc gối đã thấm nước mưa, còn lại mất hết", ông Lý nói.
Theo ông Lý, hầu hết diện tích đất sạt lở đều là đất thổ cư đã có sổ đỏ và nguyên nhân sạt lở có thể liên quan đến vấn đề dòng chảy Của sông Cầu.
Mỗi hộ dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Ngày 8/4, Trao đổi với PV, ông Đặng Thanh Ngân, Phó Chủ tịch phường Vạn An cho biết, hiện tượng sạt lở bờ sông Cầu xuất hiện từ đầu tháng 3, ngày 14/3 thì bị sụt một căn nhà. Mới đây, lại tiếp tục sụt một số căn nhà của các hộ dân khu vực phường Vạn An.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho di dời người và tài sản khỏi các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng chức năng đã đặt biển và căng dây cảnh báo nguy hiểm. Bố trí cán bộ phường, cán bộ khu phố và tổ dân phố, công an túc trực 24/24 để theo dõi, không cho người dân vào các khu vực nguy hiểm.
Chính quyền địa phương đã di dời người dân đến các khu vực nhà văn hóa của khu phố, nhà thờ giáo xứ Việt Đức và đưa họ đến nhà người thân để lánh nạn.
Dự kiến ngày 15/4, lực lượng chức năng sẽ di chuyển tất cả các hộ có nhà bị sạt lở xuống trường mầm non của của địa phương để ở tạm, trong khi chờ biện pháp khắc phục.
“Chính quyền cùng với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của khu phố cũng như phường để ủng hộ, giúp đỡ các gia đình bằng tiền mặt hoặc vật chất để đảm bảo ổn định cuộc sống trước mắt. Tổng cộng có 6 căn nhà và 2 công trình của 7 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tài sản bị thiệt hại của mỗi hộ có thể lên đến vài trăm triệu đồng”, ông Ngân nói.
Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông Cầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông Cầu đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu. Tỉnh này xác định nguyên nhân xảy ra sạt lở là do khu Vạn Phúc phía sông là khu vực dân cư đông đúc tồn tại từ lâu ở đê hữu Cầu; phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng là khu dân cư sinh sống lâu đời, hiện nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy.
Mặt khác, đoạn từ K49+300 đến K49+800 là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về địa phận tỉnh Bắc Ninh nên sự biến đổi dòng chảy tại khu vực này trong những năm gần đây đều rất mạnh gây ra sạt trượt tại nhiều vị trí.