Báo động tình trạng lừa đảo mạo danh online ngày càng tinh vi

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa phát đi bản tin cảnh báo về tình hình an ninh mạng trong nước gần đây. Trong đó, Cục đặc biệt lưu ý về các hình thức lừa đảo mạo danh online ngày càng tinh vi với các điển hình nghiêm trọng.

Cục An toàn thông tin vừa phát đi cảnh báo về việc những ngày vừa qua đang xuất hiện tình trạng các trang thông tin, nhóm zalo, email mạo danh đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đó, tại những trang, nhóm, email này có đăng tải các nội dung được lấy về từ những nguồn của Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan để gia tăng sự tin tưởng cho người xem.

Các đối tượng xấu đã lồng ghép các quảng cáo về dịch vụ liên quan đến công tác tuyển dụng công chức của Bộ như “Tiếp nhận hồ sơ Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng, Thủ quỹ”, “đóng góp quỹ an sinh cho trẻ em vùng cao”… với cam kết được công tác tại các đơn vị thuộc bộ GD&ĐT nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Việc lừa đảo tuyển dụng công chức của Bộ GD&ĐT đã được cơ quan chức năng nắm bắt và đang tiến hành điều tra mở rộng.

Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ cùng các đơn vị liên quan không phối hợp hay ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các chương trình như trên thông qua mạng xã hội, người dân không nên nghe theo và làm theo.

Bộ TT&TT cảnh báo về tình trạng lừa đảo mạo danh tuyển dụng viên chức của Bộ GD&ĐT trên mạng xã hội.

Hình thức lừa đảo thứ 2 được Bộ cảnh báo, điển hình là trường hợp người dân bị lừa đầu tư vào dự án giả mạo Vinpearl và bị chiếm đoạn gần 1,4 tỷ đồng. Theo lời kể của nạn nhân, sau khi được giới thiệu từ một người quen trên mạng xã hội, đã đầu tư vào dự án có tên “Vinpearl” (giả mạo dự án của Tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp, người này đã mất tổng cộng 1,4 tỷ đồng và vẫn bị đối tượng xúi giục nạp thêm 10% số tiền hiện có.

Theo Cục An toàn thông tin, đây là hình thức lừa đảo bắt đầu từ việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm để lấy lòng tin của nạn nhân, sau đó mời đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản.

Khi bị mời đầu tư vào các dự án, người dân cần đặc biệt cẩn trọng, kiểm tra thông tin chính thống, không truy cập vào những website có tên gọi gần giống với "chính chủ".

Trường hợp thứ 3 về việc lừa đảo mạo danh trên không gian mạng được Cục nhắc tới là việc giả danh nhân viên công ty xổ số lừa bán số lô số đề. Một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo đã lập nhiều tài khoản Facebook ảo để đăng tải các bài viết mạo danh nhân viên, lãnh đạo công ty sổ số kiến thiết miền Bắc, có thể biết trước và can thiệp kết quả quay thưởng xổ số nên có thể cho số lô, số đề chính xác. Tổng số tiền các đối tượng lừa đảo được từ người dân lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Lợi dụng tâm lý tham trúng lô đề của nhiều người, các đối tượng xấu đã lập fanpage, trang cá nhân mạo danh người của công ty xổ số có thể tiết lộ sớm kết quả.

Kể trên là những hình thức lừa đảo mạo danh qua mạng đang được Bộ TT&TT cảnh báo tới người dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác. Cục An toàn thông tin khuyến cáo các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nên chú trọng vào công tác gia tăng bảo mật an ninh mạng, liên tục cập nhật tin tức về các hình thức lừa đảo mới nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp các trường hợp tương tự.

Trước khi chuyển tiền, người dân cần kiểm tra thật kỹ danh tính của người nhận thông qua số điện thoại chính thống hoặc trực tiếp gặp mặt. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng nhằm kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.