Được biết, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã ra đời hơn 10 năm, với mục đích quan trọng nhất thời điểm đó là chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ...
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nếu sửa Nghị định 24 để giá vàng trong nước liên thông với thế giới hơn, chênh lệch sẽ thu hẹp.
Trong những ngày cuối năm 2023, giá vàng trong nước biến động mạnh chưa từng có. Đỉnh điểm, ngày 26/12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD một ounce, giá vàng miếng trong nước "nổi sóng" tăng hai triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn quốc tế 20 triệu đồng.
Với mức giá này, so với đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng hơn 12 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng gần 20%, gấp hơn 2 lần so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Giá vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường có xu hướng nới rộng. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 60,5 triệu đồng một lượng, thấp hơn 2,35 triệu đồng so với vàng nhẫn và kém 16,7 triệu đồng so với giá vàng miếng.
Đáng chú ý, chỉ 2 ngày sau đó, chiều nay (28/12), giá vàng miếng SJC lại bất ngờ giảm mạnh, về mốc 76,5 triệu đồng/lượng khiến những người đã mua vàng trong 2 ngày trước lỗ nặng. Cụ thể, chiều 28/12/2023, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 73 – 76 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 4,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch buổi sáng. Nếu so với giá ở mốc đỉnh điểm ngày 26/12, mức giá này giảm hơn 5 triệu đồng/lượng.
Chốt năm 2023, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được mua vào 71 triệu đồng/lượng, bán ra 74 triệu đồng/lượng. Tính chung cả năm 2023, vàng miếng SJC đã tăng 7,2 triệu đồng một lượng ở chiều bán ra, nhưng chiều mua chỉ tăng 5 triệu đồng.
Bàn luận sâu hơn về câu chuyện bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính kinh tế. Ông Hiếu đã chỉ ra những xu hướng thị trường giữa việc độc quyền nhập khẩu vàng và bỏ độc quyền.
Xin ông cho biết ý kiến về đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC? Nếu bỏ, thị trường vàng sẽ ra sao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng. Cũng chính vì lẽ đó, khiến thị trường vàng có thời điểm có mức chênh lệch giữa vàng trong nước với vàng thế giới lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Thời gian gần đây, giá vàng SJC trong nước dù đã giảm nhiệt nhưng vẫn chênh lệch khá cao so với giá thế giới.
Tất cả những biện pháp mà Chính phủ đang áp dụng với vàng đến thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Từ việc độc quyền nhập khẩu vàng đến việc độc quyền giao dịch thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, đều là không phù hợp với thị trường.
Thực tế, khi muốn thị trường ổn định thì phải đi theo kinh tế thị trường, đó cũng chính là xu hướng chúng ta phải đi. Thị trường cần có sự cạnh tranh toàn diện, từ sự cạnh tranh đó, sẽ tạo ra sự ổn định.
Hãy bỏ tất cả các biện pháp mang tính phi thị trường, trong đó có thể kể đến độc quyền nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước và thương hiệu vàng quốc gia SJC. Tất nhiên, nếu bỏ độc quyền giá vàng, chắc chắn sẽ có những rủi ro, vì khi đó sẽ là một thị trường cạnh tranh ít kiểm soát hơn.
Trong khi, cái mà Chính phủ đang muốn là siết chặt và kiểm soát nó để giá vàng không tăng giúp kiểm soát kinh tế vĩ mô. Nhưng, trong một nền kinh tế thị trường mà càng dùng các biện pháp phi thị trường thì càng đi ngược lại kinh tế thị trường. Và những giải pháp về thị trường đó, cuối cùng chỉ giải quyết được ngắn hạn chứ không có ý nghĩa về dài hạn.
Do đó, những giải pháp gì là phi thị trường thì cần gỡ bỏ. Câu chuyện độc quyền giá vàng, thời gian đầu giúp giá vàng biến động mang tính ổn định, nhưng về lâu dài thì lại không hiệu quả. Cho nên, để giá vàng trở lại bình ổn và đúng quy luật thị trường, thì chúng ta cần có sự thay đổi.
Theo ông, giải pháp căn cơ nào giúp giảm nhiệt giá vàng cũng như có thể “rút ngắn” khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, mà cơ quan này chưa muốn từ bỏ vai trò đó.
Hiện tại, NHNN nhập khẩu vàng, rồi lại giao cho SJC sản xuất vàng miếng và công nhận vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Đó là hai điều mà NHNN vẫn đang nắm giữ.
Trên một thị trường cạnh tranh, độc quyền bao giờ cũng tạo ra lợi thế và lợi nhuận cho họ, bởi đơn vị độc quyền có thể tạo ra nguồn cung, từ đó có thể “làm giá”. NHNN là đơn vị nhập khẩu vàng nguyên liệu duy nhất và giao cho SJC sản xuất vàng miếng, cả hai điều đó đều nằm trong sự 'độc quyền' của NHNN. Thực sự, cho đến nay, tôi cũng chưa thể lý giải tại sao NHNN chưa muốn bỏ điều này?
Về vấn đề rút ngắn “khoảng cách” chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới. Nếu tính tất cả chi phí, nếu chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là mức có thể chấp nhận được. Còn chênh lệch từ 2-5 triệu đồng/lượng là mức cao và chênh lệch từ 5 triệu đồng trở lên là rất cao.
Để giá vàng trong nước chỉ chênh với thế giới 2 triệu đồng/lượng, không còn cách nào khác ngoài việc NHNN cần từ bỏ hai điều 'độc quyền' trên. Cần cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín, thực lực tài chính nhập khẩu vàng, để nguồn cung dồi dào, cân bằng cung - cầu.
Tại thời điểm này, không cần thương hiệu vàng quốc gia SJC nữa vì không còn chuyện đổ xô đi mua vàng, tích trữ vàng, định giá mọi chuyện trên vàng, trên USD... tức là, đã chống được hiện tượng vàng hóa.
Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC có thực sự giải quyết được chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới? Và khi đó, thị trường vàng sẽ đối mặt rủi ro nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thể sẽ đối mặt với việc nhập khẩu nhiều quá, nguồn cung quá dồi dào và đẩy giá vàng xuống rất sâu. Tại Nghị định 24, vấn đề “độc quyền” của NHNN trong nhập khẩu vàng cũng như thương hiệu vàng quốc gia SJC cần thay đổi. Đồng thời, nên lập sàn giao dịch vàng để mọi thành phần tham dự thị trường vàng có thể lên đó cập nhật những thông tin thông suốt.
Đã bước sang những ngày đầu của năm mới Giáp Thìn, ông có dự báo gì về giá vàng năm 2024?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đối với giá vàng thế giới, năm 2024 giá vàng sẽ tiếp tục tăng do những biến động của địa chính trị. Nếu như ngân hàng thế giới tăng lãi suất thì giá trị của đồng đô la sẽ giảm, từ đó sẽ đẩy giá vàng tăng. Vì vậy, từ tình hình thế giới, tôi chưa nhìn thấy kịch bản nào để thấy giá vàng giảm, mà ngược lại sẽ là giá vàng tăng. Mà nếu giá vàng thế giới tăng thì sẽ kéo giá vàng trong nước cũng tăng.
Tuy nhiên, để dự báo mức tăng bao nhiêu thì còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, nhất là sau kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay.
Vậy ông có lời khuyên gì dành cho các nhà đầu tư?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Người tham gia đầu tư vàng trong năm 2024 cần theo dõi những biến động của thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là giá vàng thế giới. Nếu Chính phủ điều chỉnh để giá vàng trong nước vận hành theo đúng xu hướng của nền kinh tế thị trường thì giá vàng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá vàng thế giới. Vì vậy, việc theo dõi giá vàng thế giới là việc rất quan trọng.
Tôi có một số lưu ý với các nhà đầu tư:
Thứ nhất, tuyệt đối không vay tiền ngân hàng để đầu tư vàng – đó là điều rất nguy hiểm. Nếu giá vàng giảm, thì nhà đầu tư đối diện 2 gánh nặng, đó là mất tài sản trong khi vẫn phải trả nợ vay.
Thứ hai, trong tổng số tiền mình có cũng chỉ nên dành 1/3 để mua vàng. Số còn lại để đầu tư các kênh khác.
Thứ ba, đặc biệt không đầu tư vàng theo hình thức lướt sóng “ăn xổi”, đó là mua đi bán lại và nghĩ có thể giàu có tức thời từ kênh đầu tư này – thực sự đó là điều rất nguy hiểm. Bởi, những chuyên gia hàng đầu thế giới vẫn có những dự đoán không hoàn toàn chính xác khi nhận định về biến động giá vàng.
Trong năm 2024, ngoài vàng còn có các kênh đầu tư khác khá hấp dẫn: Ngoại tệ tiếp tục ổn định; Lãi suất huy động, trong nửa cuối năm có thể sẽ tăng vì các hoạt động kinh doanh rầm rộ hơn; Thị trường BĐS cũng có dấu hiệu ấm hơn vào nửa cuối năm. Do đó, năm 2024, sẽ có nhiều kênh để đầu tư ngoài vàng. Chính vì thế, nhà đầu tư nên phân bổ ra các kênh khác nhau để đầu tư được hiệu quả hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!