Bỏ quy định giấy xác nhận độc thân khi kết hôn là phù hợp với thực tế

Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia khi Bộ Tư pháp đã đề xuất bỏ quy định giấy xác nhận độc thân khi kết hôn. Thay vì để người dân phải nộp giấy xác nhận độc thân, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu điện tử.

Trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp đã đề xuất bỏ quy định giấy xác nhận độc thân khi kết hôn. Thay vào đó, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của các bên yêu cầu đăng ký kết hôn từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Nói một cách dễ hiểu, thay vì để người dân phải nộp giấy xác nhận độc thân, cơ quan, đơn vị sẽ tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu điện tử.

Bộ Tư pháp đề xuất bỏ giấy xác nhận độc thân khi kết hôn

Một lãnh đạo của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) cho biết, tình trạng hôn nhân là dữ liệu chuyên ngành do Bộ Tư pháp quản lý. Do vậy, khi Bộ Tư pháp chuyển dữ liệu này sang thì sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thế nên, đề xuất bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) khi làm thủ tục kết hôn của Bộ Tư pháp là phù hợp. Khi các dữ liệu liên thông và cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn có thể dễ dàng tra cứu để sử dụng.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Hà Nội cũng đánh giá, đề xuất này là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Bởi, cơ sở dữ liệu cá nhân về dân cư hiện đã tương đối hoàn thiện, liên thông, do vậy có thể dễ dàng tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là với những người có thông tin khác nhau giữa giấy khai sinh với căn cước, hay giấy tờ nhân thân khác hoặc trường hợp chuyển qua nhiều nơi cư trú khác nhau…

Bên cạnh đó, khi đã có dữ liệu cá nhân về dân cư liên thông thì việc tra cứu xác nhận tình trạng hôn nhân dễ dàng. Vì cơ quan đăng ký kết hôn chính là cơ quan về tư pháp hộ tịch nên thông tin về tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân đều có đủ. Trường hợp dữ liệu cá nhân về tình trạng hôn nhân chưa đầy đủ hoặc chưa được cập nhật sẽ giao cho cán bộ địa phương xác minh là phù hợp.

Bỏ giấy xác nhận độc thân khi kết hôn được đánh giá phù hợp ở thời điểm hiện tại

Còn ông Ngô Dương – chuyên gia về chính sách cho biết, thực tế ghi nhận có những người vì công việc mà di chuyển đến nhiều nơi sinh sống, không đăng ký tạm trú, thường trú. Họ rất khó tìm được một nơi đủ thẩm quyền để xác nhận tình trạng độc thân.

Đã có nhiều trường hợp tồn tại hơn 1 cuộc hôn nhân hợp pháp, 2 giấy chứng nhận kết hôn đều có hiệu lực. Điều này đòi hỏi công tác quản lý hộ tịch chặt chẽ hơn từ chính quyền. Khi người ta chưa kết hôn cần tích hợp chặt hẽ về dữ liệu cư trú nêu tình trạng hôn nhân. Khi người ta ly hôn thì quyết định tòa án thuận tình ly hôn cần được đăng ký ở đâu đó.

Theo ông Ngô Dương, Bộ Tư pháp đưa ra đề xuất cơ quan chức năng tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia, hoặc ủy quyền cho các đơn vị, cơ quan có điều kiện thu thập thông tin là cải cách hành chính lớn, mang lại thuận lợi cho người dân.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, tuy đưa ra đề xuất này nhưng Bộ Tư pháp vẫn đề nghị giữ quy định về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Lý do là vì, qua tổng hợp ý kiến từ một số cơ quan Trung ương và địa phương, đa số cho rằng không nên bỏ thủ tục này ở thời điểm hiện tại.

Bởi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ngoài sử dụng để đăng ký kết hôn còn cần cho các mục đích khác như thủ tục du học, vay vốn, lao động, bảo lãnh, xin cấp visa... Trong khi không phải tất cả cơ quan có thẩm quyền đều khai thác được thông tin về tình trạng hôn nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch.