Theo đó, kỹ thuật mới phụ thuộc vào việc chiết xuất hydro và oxy từ đất ở nhiệt độ cực cao và được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) mô tả là "có tính thực tiễn cao".
Việc tìm kiếm nước từ lâu đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chuyến thám hiểm Mặt Trăng, nhưng những nỗ lực trước đây chỉ tập trung vào việc tìm kiếm trữ lượng nước tự nhiên. Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ và Kỹ thuật Vật liệu Ninh Ba, Viện Vật lý CAS và cơ quan nghiên cứu khác của Trung Quốc đã đưa ra phương pháp mới sau khi nghiên cứu đá Mặt Trăng được tàu thăm dò Chang'e-5 của Trung Quốc mang về Trái Đất vào năm 2020.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một số khoáng chất trong đất Mặt Trăng – đặc biệt là khoáng chất oxit ilmenit – lưu trữ một lượng lớn hydro do tiếp xúc với gió Mặt Trời trong hàng tỷ năm.
Khi được đun nóng, hydro sẽ phản ứng hóa học với oxit sắt trong khoáng chất để tạo ra một lượng lớn nước, cũng như sắt và thủy tinh gốm.
Sau đó, khi nhiệt độ vượt quá 1.000 độ C (1.832 độ F), đất trên Mặt Trăng sẽ bắt đầu tan chảy, giải phóng nước dưới dạng hơi.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã nghiên cứu đất Mặt Trăng bằng các kỹ thuật như kính hiển vi điện tử có độ phân giải cao và kết luận rằng 1 gam đất Mặt Trăng sẽ tạo ra khoảng 51 đến 76 miligam nước. Điều này có nghĩa là một tấn đất trên Mặt Trăng có thể sản xuất ra khoảng 50 lít (13 gallon) - "về cơ bản đủ để 50 người uống trong một ngày", cơ quan nghiên cứu cho biết.
Dựa trên những phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp làm nóng đất trên Mặt Trăng cho đến khi nó tan chảy bằng cách hội tụ ánh sáng mặt trời qua các gương lõm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sắt được sản xuất như một sản phẩm phụ của quá trình này có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô để chế tạo thiết bị điện tử trên Mặt Trăng, trong khi đất Mặt Trăng tan chảy có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng cho căn cứ.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Phương pháp này có tính thực tiễn cao và dự kiến sẽ cung cấp cơ sở thiết kế cho việc xây dựng các trạm nghiên cứu Mặt Trăng và trạm vũ trụ trong tương lai”.
Nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm trên The Innovation, một tạp chí học thuật bằng tiếng Anh, được bình duyệt bởi một nhóm các nhà khoa học trẻ người Trung Quốc thành lập vào năm 2020, đã trở thành một trong những ấn phẩm đa ngành hàng đầu thế giới.
Cuộc tìm kiếm nước trên Mặt Trăng là hành trình kéo dài hàng thập kỷ của các nhà khoa học nghiên cứu về Mặt Trăng. Họ tin rằng băng có thể tồn tại ở trạng thái tự nhiên ở cực nam và cực bắc, cũng như ở những khu vực nằm trong bóng tối vĩnh viễn.
Các mẫu vật mang về từ Chang'e-5 cho thấy một số khoáng chất trong đất Mặt Trăng – bao gồm thủy tinh và pyroxen – có chứa một lượng nhỏ nước.
Một phân tích riêng biệt các mẫu vật này - được công bố trên tạp chí Nature Astronomy vào tháng trước - đã phát hiện ra một loại khoáng chất ngậm nước "được làm giàu" bằng nước phân tử.
Nhưng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo, hàm lượng nước trong các khoáng chất này rất ít, chỉ từ 0,0001 đến 0,02 phần trăm, khiến việc khai thác và sử dụng chúng trở nên khó khăn.
Trong khi đó, nỗ lực của NASA đã gặp phải trở ngại vào tháng trước khi xe thám hiểm mặt trăng Viper bị hủy bỏ vì lý do chi phí, nhưng cơ quan này cho biết, họ sẽ tiếp tục tìm kiếm bằng các biện pháp khác.
Ngoài những lợi ích trước mắt đối với các sứ mệnh lên Mặt Trăng, một bài báo gần đây trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho thấy, một ngày nào đó, nguồn nước trên Mặt Trăng có thể được sử dụng làm nguồn nhiên liệu cho các phương tiện tham gia các sứ mệnh không gian sâu bằng cách phân hủy chúng thành oxy và hydro.
Bài viết do các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Địa vật lý Trung Quốc biên soạn, cho biết uộc tìm kiếm này có thể giúp khám phá những quá trình quan trọng trong quá trình hình thành và tiến hóa của Trái Đất, Mặt Trăng và thậm chí cả Hệ Mặt Trời rộng lớn hơn.