CEO Baidu cảnh báo sự bùng nổ mô hình AI ở Trung Quốc

Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới đang diễn ra tại Thượng Hải, Tổng Giám đốc điều hành của Baidu là Robin Li cho biết, các mô hình AI của Trung Quốc đang quá nhiều, trong khi vẫn chưa mang lại những lợi ích thiết thực cho các ngành công nghiệp khác.

Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới đang diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) từ ngày 4/7, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Baidu là Robin Li Yanhong đã thể hiện sự e ngại của mình rằng Trung Quốc đang có quá nhiều mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), gây ra sự lãng phí về tài nguyên.

CEO Baidu cho biết: “Vào năm 2023, sự cạnh tranh gay gắt giữa hơn 100 chương trình LLM đã nổi lên tại Trung Quốc, dẫn đến lãng phí đáng kể tài nguyên, đặc biệt là sức mạnh tính toán. Tôi nhận thấy rằng nhiều người vẫn chủ yếu tập trung vào các mô hình nền tảng. Nhưng tôi muốn hỏi: còn các ứng dụng trong thế giới thực thì sao? Ai đã được hưởng lợi từ chúng?”.

Ông Li kêu gọi các nhà phát triển xây dựng nhiều ứng dụng thực tế hơn thay vì liên tục điều chỉnh công nghệ hỗ trợ các sản phẩm AI tạo sinh (GenAI) như ChatGPT của OpenAI .

Tổng giám đốc điều hành Baidu Robin Li phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải vào ngày 4 tháng 7 năm 2024, cảnh báo đất nước đang lãng phí tài nguyên vào việc điều chỉnh các mô hình nền tảng trong khi không xây dựng được nhiều ứng dụng thực tế.

Thị trường GenAI của Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ với hơn 200 LLM xuất hiện kể từ khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022. Sự cạnh tranh quá mức từ các công ty công nghệ lớn đã dẫn đến cuộc chiến giá cả đối với các dịch vụ AI thương mại, trong khi các công ty toàn cầu như OpenAI và Google vẫn bị cấm cửa tại thị trường này. Những người muốn sử dụng AI bên ngoài đều phải dùng các thủ thuật vượt “tường lửa”, vừa không đảm bảo chất lượng truy cập, vừa mất an toàn mạng. 

Giống như nhiều ngành công nghiệp khác trên toàn cầu, thị trường AI của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình kiếm tiền. CEO của Baidu cho biết dịch vụ hậu cần và viết sáng tạo là hai ngành đã được hưởng lợi từ các ứng dụng hỗ trợ AI giúp cải thiện hiệu quả sản hoạt động kinh doanh.

Baidu Comate, trợ lý mã hóa của gã khổng lồ tìm kiếm internet được hỗ trợ bởi Ernie LLM, đã được triển khai nội bộ để nhân viên sử dụng. Ông Li cho biết 30% mã hóa tại công ty hiện được xử lý bằng AI.

Baidu cũng đã giới thiệu mẫu Ernie 4.0 Turbo mới vào thứ sáu tuần qua, dành cho khách hàng doanh nghiệp, kèm theo mức giảm giá 83% cho Ernie 4.0 và Ernie 3.5 LLM.

Xu Li, CEO kiêm đồng sáng lập của SenseTime, một công ty tiên phong về AI của Trung Quốc cũng phát biểu trong cùng hội thảo với CEO Li của Baidu: "Tôi nghĩ ứng dụng là chìa khóa để xác định liệu kỷ nguyên này có phải là thời điểm quan trọng đối với AI hay không".

Ông Xu nói thêm: “Mặc dù ngành công nghiệp AI đang là chủ đề nóng hiện nay, nhưng nó chưa đạt đến thời điểm quan trọng vì vẫn chưa thâm nhập vào bất kỳ ứng dụng nào trong bất kỳ ngành dọc nào để tạo ra sự thay đổi rộng rãi”.

Yan Junjie - Tổng giám đốc điều hành của MiniMax, một trong những công ty khởi nghiệp AI hàng đầu khác của Trung Quốc, cho biết tại hội nghị rằng ông kỳ vọng sẽ có sự hợp nhất lớn của ngành trong tương lai.

Các chuyên gia cảnh báo các mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc đang quá nhiều nhưng vẫn chưa tạo ra được những ứng dụng mang tính thực tiễn để tạo ra các bước ngoặt.

Thành công bất ngờ chỉ sau một đêm của ChatGPT đã làm dấy lên AI ở Trung Quốc. Các “ông lớn” công nghệ lẫn các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo đều tìm kiếm cơ hội phát triển từ làn sóng mới này. Hàng loạt các mô hình LLM “made in China” cũng được tạo ra nhanh chóng và cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Ngoài một nhóm nhỏ các công ty khởi nghiệp được mệnh danh là "những con hổ AI" của Trung Quốc, các công ty công nghệ lớn đã đổ nguồn lực vào thị trường. Chủ sở hữu TikTok là ByteDance, gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent Holdings và tập đoàn thương mại điện tử cũng đã bắt đầu giảm giá mạnh các dịch vụ dựa trên LLM vào tháng 5 trong nỗ lực thu hút người dùng.