Hồi tháng 3/2024, NHNN cũng đã xây dựng dự thảo quy định, không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.
Quyết liệt chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng
Những quy định này được đưa ra trong bối cảnh, vài năm trở lại đây liên tục xảy ra tình trạng ngân hàng, nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ kèm các khoản vay. Nhiều người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cho biết, trên hình thức mà nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn nhưng thực tế lại ngầm hiểu là “phải mua bảo hiểm mới được giải ngân”.
Với việc luật hóa quy định cấm ngân hàng, người quản lý, người điều hành, nhân viên ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng bán “bia kèm lạc” gây nhức nhối trong thời gian qua.
Theo luật mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định phạm vi hoạt động của đại lý bảo hiểm của ngân hàng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân vẫn được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với phạm vi hoạt động theo quy định của Thống đốc NHNN.
Trước đó, Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cũng đưa ra quy định ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng vay tiền trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Đáng chú ý, NHNN và Bộ Tài chính đã có những động thái mạnh mẽ như lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Đồng thời ban hành những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt.
Nhiều năm qua, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trở thành mảnh đất màu mỡ, mang về doanh thu hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm. Thường mức chiết khấu trong năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm rất cao, tới 25% thậm chí 40% tùy theo công ty bảo hiểm chi trả.
Trong giai đoạn 2018-2022, thu nhập từ việc làm đại lý bảo hiểm nhân thọ đã giúp không ít ngân hàng thương mại lãi lớn. Do vậy, bán bảo hiểm cũng là một trong những chỉ tiêu kinh doanh mà các nhân viên ngân hàng phải hoàn thành với tỷ lệ lũy tiến, năm sau cao hơn năm trước.
Áp lực này được trao lại cho khách hàng khi buộc phải chấp nhận mua bảo hiểm như một khoản phụ phí để được vay vốn của ngân hàng. Điều này làm méo mó niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Có giải quyết được triệt để?
Ngay sau khi những quy định của Bộ Tài chính được ban hành, doanh thu kênh kênh bancassurance giảm mạnh. Cụ thể, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm trong năm 2023 của VIB giảm 32%, SeA Bank giảm 73%, Techcombank giảm 62%, TPBank giảm 57%, MB giảm 19%... so với năm 2022.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm quy năm của kênh bancassurance trong năm 2023 giảm 47%, phí thực thu năm đầu 2023 giảm 54% so với năm 2022. Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 4 tháng đầu năm, doanh thu bán mới bảo hiểm qua kênh ngân hàng giảm mạnh 42% xuống còn 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, dù bị “siết” hoạt động nhưng các ngân hàng vẫn có cách “ép” khách mua bảo hiểm kèm khoản vay.
Thay vì mời chào mua bảo hiểm thì mới được giải ngân, các nhân viên ngân hàng chuyển hướng sang được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trường hợp khách hàng không mua bảo hiểm đi kèm, lãi suất khoản vay sẽ cao hơn 1-2%/năm so với việc đồng ý mua bảo hiểm.
Anh Đức Anh (Hà Nội) cho biết, vừa có một khoản vay 1 tỉ đồng tại ngân hàng và đã được mời chào mua bảo hiểm cho con nhưng thực tế là “ép” vì nếu không mua bảo hiểm sẽ không được “cộng điểm tín dụng” trong công tác phê duyệt khoản vay, sau này muốn giảm lãi suất cũng không được giảm nếu không “đính kèm” bảo hiểm nhân thọ.
Tương tự, chị Thúy Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vừa hoàn thiện hồ sơ chuyển nợ từ ngân hàng P sang ngân hàng V được nhân viên ngân hàng mời “mua ủng hộ” gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 15 triệu đồng, sẽ được tặng bảo hiểm khoản vay 2 năm, được ân hạn nợ gốc trong 3 năm.
Trước đây đi vay, nhân viên ngân hàng gần như nói thẳng muốn được giải ngân nhanh thì mua bảo hiểm nhân thọ còn bây giờ họ “lách” luật bằng cách yêu cầu ký cam kết mua tự nguyện.
Bên cạnh đó, các nhân viên ngân hàng sẽ có những “thủ thuật” khác để gần như khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ như “hồ sơ vay được áp dụng lãi suất ưu đãi cố định trong 2 năm nên cần mua bảo hiểm nhân thọ để ủng hộ ngân hàng”, hay “muốn hưởng lãi suất vay ưu đãi, anh/chị cần mua bảo hiểm nhân thọ”, để “né” quy định ngoài cam kết tự nguyện, người vay tiền nhờ người quen, người nhà đứng tên trên hồ sơ bảo hiểm.
Nhìn chung, khách hàng vẫn phải ngầm hiểu nếu không mua bảo hiểm nhân thọ thì khoản vay khó được giải ngân, hoặc hạn mức cho vay thấp hơn so với giá trị tài sản đảm bảo. Do vậy, cần có các quy định rõ ràng về thế nào là "ép" khách hàng đối với ngân hàng, kèm theo đó là chế tài xử phạt tăng nặng mới có thể đủ sức răn đe.