Cơ hội giảm 50% phí trước bạ vẫn đang "treo", hãng xe gặp áp lực kép với tháng cô hồn

Trong khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô đã không được chốt vào ngày 1/8, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Nhằm thuyết phục khách hàng "xuống tiền", nhiều hãng xe đẩy mạnh ưu đãi trong tháng 8, trong đó có cả hỗ trợ tới 100% phí trước bạ.

Tính đến thời điểm hiện tại, các hãng xe cũng như người tiêu dùng vẫn đang ngóng thông tin về việc có giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hay không. Nhiều người dùng bày tỏ sự hụt hẫng, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũng “đứng ngồi không yên” vì khách hàng vẫn duy trì trạng thái chưa chốt đơn.

Người mua thất vọng, người bán “sốt ruột”

Đây không phải là lần trì hoãn đầu tiên trong vòng 3 tháng qua. Thời gian dự kiến trước đó, chính sách ưu đãi giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước được đưa ra 2 khả năng: từ 1/7 - 31/12/2024 hoặc 1/8/2024 - 31/1/2025.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những biện pháp kích thích thị trường ô tô, hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước hiệu quả. Đồng thời tăng sức mua của người dân trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.

Như Đô Thị Mới đã đưa tin trước đó, chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, có kế hoạch đổi từ chiếc xe Kia nhỏ sang phân khúc lớn hơn hồi tháng 6/2024. Tuy nhiên, do có thông tin sắp được giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước nên mới chỉ đặt cọc 20 triệu đồng để “giữ chỗ”. Tuy nhiên, đến nay, đã qua 2 mốc dự kiến mà vẫn chưa thấy thông tin chính thức, chị Hà không khỏi thất vọng.

Trong khi đề xuất giảm 50% phí trước bạ vẫn "bặt vô âm tín" các hãng xe lại đối diện với tháng 7 âm lịch

“Có giảm hay không giảm thì cũng nên có thông báo chính thức. Chứ đưa ra đề xuất rồi người bán lẫn người mua đều mong ngóng mà qua mấy lần vẫn chưa có kết quả”, chị Hà cho biết.

Tương tự, anh Quốc Việt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, anh đã đặt cọc mua chiếc Kia Sorento từ hồi tháng 5/2024 để chờ hưởng ưu đãi của Chính phủ, nhưng “đến giờ này, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn chưa có thông tin gì nên tôi thấy khá hụt hẫng”. Anh Việt cho biết thêm, dù đang cần xe để phục vụ công việc nhưng có thể tôi vẫn chờ thêm một thời gian ngắn nữa rồi mới chốt “xuống tiền”.

Cũng bày tỏ sự thất vọng khi chờ đợi nhiều tháng nhưng vẫn chưa có thông tin về việc giảm 50% thuế trước bạ, nhưng chị Thùy Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vẫn quyết chờ đến khi nào có quyết định chính thức mới giao dịch, nhận xe.

Không chỉ người mua xe, các doanh nghiệp kinh doanh, đại lý phân phối cũng “đứng ngồi không yên” khi lượng giao dịch chờ khá nhiều, có nới chiếm tới 50% hợp đồng. Bởi lẽ, khách hàng càng chờ đợi, kéo giảm sức tiêu thụ sẽ khiến lượng xe tồn kho tăng lên, dòng tiền của các hãng “đóng băng”.

Nhất là khi thị trường bắt đầu rơi vào thời kỳ ảm đạm nhất năm là tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng Ngâu, tháng cô hồn). Đây là thời điểm mà đa phần các khách hàng đều kiêng kị không mua bán đồ giá trị, làm việc lớn để tránh xui xẻo. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của các hãng xe lắp ráp trong nước.

Theo một nhân viên bán hàng của nhà phân phối xe Mercedes-Benz, tháng 7 âm lịch thường rơi vào tình trạng “chợ chiều” khi nhiều khách hàng đến xem nhưng số lượng chốt rất ít ỏi, chủ yếu chờ qua “giai đoạn nhạy cảm” bởi xe ô tô cũng là một tài sản có giá trị lớn nên tâm lý có kiêng có lành.

Doanh nghiệp tự “cứu mình”

Trước tình trạng khách hàng chần chừ để chờ đợi lệ phí trước bạ giảm và qua tháng 7 âm, để thuyết phục khách hàng xuống tiền, nhiều hãng xe đã đẩy mạnh ưu đãi trong tháng 8. Có đơn vị hỗ trợ tới 100% lệ phí trước bạ, tùy sản phẩm.

Chẳng hạn như gần như toàn bộ dải sản phẩm của Honda Việt Nam đều có chương trình khuyến mại 50-100% lệ phí trước bạ; Toyota Việt Nam cũng áp dụng chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho các mẫu xe có giá dưới 700 triệu đồng; các dòng xe của Mitsubishi cũng đều được hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ (một số phiên bản không được áp dụng). Hay như Nissan, hồi tháng 6 đã “chơi lớn” khi hỗ trợ 150% lệ phí trước bạ cho một số dòng sản phẩm của hãng, tổng ưu đãi lên đến hơn 140 triệu đồng.

Nhiều người dân vẫn muốn chờ đợi kết quả cuối cùng của đề xuất giảm phí trước bạ mới quyết định "xuống tiền"

“Khách hàng chờ ưu đãi, chúng tôi chờ khách hàng nên các hãng xe đã áp dụng chương trình khuyến mại liên quan đến lệ phí trước bạ để họ dễ quyết định trong giao dịch, vượt qua rào cản tâm lý chờ đợi. Khách hàng vừa có xe để phục vụ cuộc sống và công việc, các nhãn hàng cũng đẩy mạnh doanh thu”, một tư vấn bán hàng của hãng Toyota tại Hà Nội cho biết.

Còn đối với rào cản tháng Ngâu, tư vấn bán hàng này cho biết, những năm gần đây, nhiều người đã “thoáng” hơn, không còn ngại mua sắm ô tô tại thời điểm này. Dù sức mua vẫn chậm hơn nhưng không giảm sâu như thời điểm sau Tết Nguyên Đán.

Đặc biệt, ngay cả những thời điểm khách hàng được ưu đãi phí trước bạ của Chính phủ, vào tháng 7 âm lịch các nhãn hàng cũng đều tăng thêm các chương trình ưu đãi, giảm giá. Thậm chí, nhiều người còn xem đây là thời điểm “vàng” để mua ô tô vì sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách bán hàng.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, đã có nhiều người không thể chờ ưu đãi kép (cả Nhà nước và hãng xe) mà đã tiến hành lấy xe luôn vì nếu chính sách không đúng như dự đoán sẽ dẫn đến “thiệt nhiều hơn được”, cùng với đó là tâm lý né tháng cô hồn.