Cuộc sống người dân đảo lộn vì cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè

Hơn một tháng nay, để đi chợ mua đồ, bà Phạm Minh Quyết (trú quận Hà Đông) phải đi hàng trăm mét dưới lòng đường vì vỉa hè đang sửa chữa. Bà bảo, dù biết đi dưới lòng đường rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác khi vỉa hè gồ ghề và ngổn ngang gạch đá.

Ảnh hưởng sinh hoạt người dân

Cứ vào dịp cuối năm, việc đào xới và lát vỉa hè lại tái diễn, trở thành câu chuyện quen thuộc ở Hà Nội và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Trong hơn một tháng qua, nhiều đoạn vỉa hè trên các tuyến đường ở Hà Nội đã được công nhân đào lớp nền cũ để thay thế bằng nền gạch mới.

Như trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), hai bên đường chất đống gạch đá và vật liệu phục vụ cho việc thay thế vỉa hè cũ. Hơn một tháng nay, để đi chợ mua đồ, bà Phạm Minh Quyết (trú quận Hà Đông) phải đi hàng trăm mét dưới lòng đường vì vỉa hè đang sửa chữa.

Việc đào xới và lát lại vỉa hè cứ cuối năm là tái diễn (Ảnh: Nhật Minh)

Bà bảo, dù biết đi dưới lòng đường rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác khi vỉa hè gồ ghề và ngổn ngang gạch đá. Tình trạng này kéo dài khiến việc đi lại của người dân quanh khu vực rất vất vả.

Bà Quyết cho biết thêm, bà giúp con trông cháu nhỏ. Nhiều hôm đi chợ không có ai trông giúp, bà phải đưa đi cùng. Ở những đoạn khó đi do vỉa hè rào chắn tạm bợ để sửa chữa, bà phải nhờ người đi đường giúp đẩy xe nôi cho cháu. Bà mong việc lát gạch sẽ sớm hoàn thiện để mọi người có thể đi lại dễ dàng hơn.

Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, công tác thi công kéo dài cũng khiến nhiều cửa hàng trên tuyến đường chịu cảnh ế ẩm, vắng khách. Tại phố Chùa Láng (quận Đống Đa), mặt đường đã được thảm lại, nhưng vẫn có nhiều rãnh nứt sâu, dễ gây trơn trượt cho xe máy và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tương tự, dọc hai bên đường Lương Định Của (quận Đống Đa) cũng đang trong quá trình làm lại. Vỉa hè bị đào bới không chỉ gây bụi bẩn mà còn làm khó khăn cho việc di chuyển, đặc biệt khi tuyến đường này gần nhiều trường học và thường xuyên ùn tắc.

Điều đáng chú ý, nhiều vỉa hè và lòng đường vừa được hoàn thành cách đây vài năm vẫn bị đào lên thi công lại, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và làm giảm hiệu quả sử dụng công trình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội những ngày qua liên tục ở mức xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 của UBND TP. Hà Nội, việc cải tạo và chỉnh trang vỉa hè phải tuân thủ mẫu thiết kế đô thị và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, bao gồm cây xanh, hệ thống điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng và các yếu tố liên quan.

Tuy nhiên, thực tế triển khai lại cho thấy nhiều bất cập và thiếu sự nhất quán. Nhiều công trình chưa được hoàn thiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng vỉa hè bị đào xới nhiều lần trong thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc đi lại.

Sửa chữa vỉa hè kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn khiến nhiều cửa hàng trên tuyến đường chịu cảnh ế ẩm

Không quy định thời điểm cụ thể cuối năm

Trước tình trạng này, rất nhiều người dân bày tỏ "không thể chấp nhận" tình trạng vỉa hè liên tục bị đào xới vào cuối năm. Họ yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội phải có chỉ đạo rõ ràng để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh tình trạng "thấy đào là thấy Tết".

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án đào hè, lát hè. Mọi công tác lập kế hoạch, thẩm định, thi công và kiểm soát sau thi công đều là trách nhiệm của các địa phương. Sở Xây dựng cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tại các quận, huyện và sẽ yêu cầu các quận báo cáo, thông tin lại về tình hình này.

Bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, Hà Nội đã chỉ đạo cải tạo vỉa hè và lòng đường chỉ sau khi hạ ngầm đồng bộ các hệ thống điện, cáp viễn thông, nước sạch… nhằm tránh tình trạng đào xới lại những công trình đã hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng đào lên, lấp xuống ở vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng giao thông và lãng phí nguồn lực.

Vấn đề này phản ánh việc thực hiện không đúng chỉ đạo của thành phố, cùng với việc thiếu giám sát kịp thời để phát hiện và xử lý. Bà đề nghị làm rõ trách nhiệm tại các khu vực xảy ra tình trạng này.

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng của một quận trung tâm Hà Nội cho biết, đây là tình trạng chung của các quận, huyện. Vị này giải thích, do cơ chế, chủ trương đầu tư chỉ được phê duyệt vào dịp họp HĐND đầu năm (thường vào tháng Hai hoặc tháng Ba), sau đó Ban quản lý mới tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, trình UBND quận, huyện phê duyệt, rồi mới bố trí vốn và tổ chức đấu thầu. Sau khi đấu thầu xong, việc thi công mới được triển khai. Vì vậy, việc lát, cải tạo vỉa hè, lòng đường chỉ có thể thực hiện vào cuối năm.

Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, các dự án chỉnh trang hè phố, bao gồm việc lát đá vỉa hè, hiện đang được thi công dưới sự chủ trì của UBND các quận, huyện và thị xã. Pháp luật hiện hành và chủ trương của thành phố không quy định thời điểm cụ thể thực hiện thi công và chỉnh trang hè phố vào cuối năm. Việc triển khai các dự án này sẽ tùy thuộc vào kế hoạch và tiến độ của từng quận, huyện, thị xã. Trong quá trình thực hiện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.