Thời gian làm việc nên đủ ngắn để người lao động tìm được bạn đời

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 tiếng mỗi ngày) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái và gia đình. Từ đó, dân số mới phát triển bền vững.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố độ tuổi kết hôn trung bình của cả nước là 27,2 tuổi. Trong đó, địa phương có độ tuổi kết hôn trung bình cao nhất là TP. HCM khi đã vượt qua mốc 30 tuổi. Cùng với việc kết hôn muộn kéo theo tỷ lệ sinh ở nước ta ngày càng giảm, hiện đã ở ngưỡng cảnh báo. Nước ta đang cố gắng duy trì mức sinh thay thế là 2 - 2,1 con/phụ nữ.

Để cải thiện tình trạng này, nhiều đề xuất đã được đưa ra như bỏ giấy xác nhận độc thân, miễn giảm học phí cho trẻ, được quyết định sinh bao nhiêu con… Gần đây nhất, góp ý để hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM đã đưa ra đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn, để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất người lao động phải đủ ngắn, để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình

Theo giáo sư Nhân, lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là họ bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Thực tế, nhiều người lao động làm việc khoảng 10 - 12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian gặp gỡ bạn bè, chăm sóc gia đình...

Ngoài ra, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con. Để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con thì thu nhập của 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con), trong đó 2 con phải được nuôi dạy và học hành đàng hoàng. Ông cho rằng cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.

Giáo sư Nhân đánh giá, nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài.

Nhiều người trẻ có xu hướng kết hôn muộn và ngại sinh con

Anh Nguyễn Thành Nam (27 tuổi, Nam Định) đang làm công nhân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, mấy năm nay anh đã bị bố mẹ giục lấy vợ. Nhưng tiền lương của anh chi cho nhà trọ, sinh hoạt hàng tháng đã gần hết. Nếu bây giờ lấy vợ, rồi sinh con thì lương của anh không đủ nuôi 3 miệng ăn trong 6 tháng vợ nghỉ sinh.

Còn chị Phan Thị Thu Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thu nhập của chị hơn 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, thời gian làm việc 1 ngày kéo dài 9 tiếng, cộng thêm di chuyển trên đường thì mỗi ngày chị đã mất 10 - 11 tiếng cho công việc. Đó là chưa kể những hôm quá nhiều việc, chị phải tăng ca ở công ty hoặc mang về nhà làm.

Chị Thu Anh bảo, về đến nhà không còn hơi sức nấu ăn tối cho gia đình huống gì quan tâm đến sức khoẻ hay sinh con. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng chia sẻ việc không có ý định sinh con thứ 2 vì về đến nhà là lại lao vào dọn dẹp, nấu nướng, không còn thời gian chăm sóc cho bản thân.

Hiện dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho vợ chồng.