Cư dân than trời vì Khu tái định cư Nam Trung Yên xuống cấp, thiếu chỗ để xe trầm trọng
Thời gian gần đây, cư dân sinh sống tại Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục phản ánh về tình trạng nhiều hạng mục của tòa nhà bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; diện tích để xe chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu...khiến cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn, bất tiện.
Theo tìm hiểu, Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Đây là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân sau khi bàn giao giải phóng mặt bằng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực giãn dân hồ Hoàn Kiếm (quận Ba Đình) và mở rộng tuyến đường Trường Chinh thuộc phường Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (quận Thanh Xuân).
Trao đổi với PV Đô Thị Mới, bà Vũ Thị Nguyệt, Tổ trưởng tổ dân phố số 51 (phường Trung Hòa), phụ trách 4 tòa chung cư A6, Phó ban Quản trị tòa A6B Nam Trung Yên cho biết theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND (Quyết định 18) ngày 23/8/2018 của UBND TP Hà Nội, đối với chung cư tái định cư, có 6 hạng mục gồm: Thang máy; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; máy bơm nước; máy phát điện; hệ thống chống sét và mặt ngoài được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (thu từ công tác quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư). Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 18 được ban hành đến nay, họ chưa nhận được bất cứ khoản kinh phí hỗ trợ nào.
"Hiện tại, máy phát điện không còn hoạt động, thang máy liên tục hỏng hóc nên cư dân phải tự đóng góp quỹ để sửa chữa”, bà Nguyệt bày tỏ.
Ghi nhận thực tế, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, phần tường ngoài của các tòa nhà tái định cư A6 Nam Trung Yên đã bong tróc, vôi vữa loang lổ.
Thang máy thường xuyên hỏng hóc, khiến người dân di chuyển bất tiện và nơm nớp lo sợ.
Do các tòa tái định cư không có tầng hầm gửi xe nên hiện tại diện tích ở tầng 1 chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của toàn bộ cư dân. Việc này gây nên nhiều bất tiện, khó khăn cho cuộc sống của họ.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Đặng Trần Trung, chủ đầu tư của dự án nhà tái định cư A6 Nam Trung Yên cho biết, từ năm 2016, để thực hiện công tác bảo trì, Công ty đã được TP phê duyệt dự toán thu chi theo quy định. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do phát sinh việc diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính nên Công ty không còn nguồn thu thực hiện công tác này.
Trong khi đó, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ bảo trì 6 hạng mục tại các chung cư tái định cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ. Đến hiện tại, đơn vị này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán bố trí vốn để thực hiện nên không có đủ cơ sở pháp lý tổ chức việc bảo trì. Do không được bảo trì trong suốt 6 năm qua, nhiều trang thiết bị sử dụng chung trong các tòa nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, ngày 9/6/2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư. Mặt khác, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho cư dân, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị quản lý nhà tái định cư hướng dẫn phía quản lý vận hành, ban quản trị phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai công tác bảo trì, sửa chữa phần sở hữu chung.
Về lâu dài, cư dân mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đưa ra biện pháp tổng thể trong quản lý, vận hành nhà tái định cư. Trong đó cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để nhanh chóng “khơi thông” nguồn kinh phí bảo trì...