Đất nông nghiệp “hết hot”, nhiều nhà đầu tư nhận cái kết đắng

Dù rao bán đất nông nghiệp giảm từ 10-30% , nhiều nhà đầu tư “ôm đất” tại khu vực Tây Nguyên đã vỡ mộng khi chạy theo trào lưu "bỏ phố về rừng". Họ vừa chịu lỗ nặng vừa không thoát được hàng.

Vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, trào lưu “bỏ phố về rừng” lên ngôi khiến giá đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất ở các khu vực như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk tăng mạnh. Giai đoạn 2020-2021, giá đất phân khúc này ở đây tăng từ 4-5 lần.

Cụ thể, 1 ha đất ở tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk có giá khoảng 300 – 400 triệu đồng bỗng tăng giá lên tới 1,2-1,5 tỷ đồng/ha chỉ sau 5-6 tháng. Hay đất ở Bình Phước, Lâm Đồng cũng tăng phi mã lên 2-3 lần.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian này một số đối tượng tung tin đồn thổi về việc đón đầu dự án quy hoạch đã khiến đất nông nghiệp nhiều nơi tại Tây Nguyên “sốt ảo”. Như giá đất ruộng lúa, đất nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu huyện Chư Păh, Gia Lai bị đẩy từ 10 triệu đồng/m ngang lên đến từ 30-40 triệu đồng, thậm chí tăng đến 90 triệu đồng.

Nhiều nhà đầu tư "vỡ mộng" khi đầu cơ đất nông nghiệp.

Hay tại tỉnh Kon Tum, với chiêu trò vẽ ra các dự án nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái bên lòng hồ Plei Krông (xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà), cuối năm 2021, các đối tượng cò đất đã tìm cách thu mua hàng chục ha đất sản xuất của người dân, thậm chí hỏi mua 1 gốc cao su giá 1 triệu đồng để  tạo cơn sốt ảo…

Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM đổ xô lao vào “cuộc chơi”. Những người nhanh chân giao dịch, mua đi bán lại chớp nhoáng đã thu được những món lợi không nhỏ, còn người chậm chân, trở thành người “ôm cuối”, giờ đành ngậm đắng nuốt cay. 

Hiện trào lưu "bỏ phố về rừng" đã hạ nhiệt, giá đất cũng theo đó giảm mạnh, thậm chí không có thanh khoản. Theo khảo sát, một số nhà đầu tư tại TP.HCM đang rao bán đất nông nghiệp ở Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk với giá giảm từ 10-30%. 

Các khu đất được rao bán có giá từ 4-15 tỷ đồng, tùy vào vị trí, diện tích. Tuy nhiên, dù chấp nhận lỗ nặng nhưng nhà đầu tư vẫn không thể thoát hàng.

Năm 2021, ông Trần Văn Quang (ở quận 3, TP.HCM) mua 3 ha đất ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông với giá 4,5 tỷ đồng vì thấy người dân đổ xô mua đất nông nghiệp theo trào lưu. Đến 2023, tình hình thị trường bất động sản khó khăn, cộng với áp lực trả lãi khoản vay nên ông Quang rao bán nhằm thu hồi vốn. Dù giảm xuống hơn 3 tỷ đồng đồng nhưng lô đất của ông vẫn không có khách hỏi mua.

Không chỉ ở Tây Nguyên, tại các vùng ven Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng bởi trào lưu “bỏ phố về quê”. Từ 2019 đến đầu năm 2022, ngay cả các loại đất vườn, đất nông nghiệp ở các huyện như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất... cũng liên tục tăng giá mạnh. Tuy nhiên, từ khi thị trường rơi cảnh ảm đạm, nhiều người dù muốn cắt lỗ cũng không có giao dịch.

Chỉ chưa đầy 1 năm, các lô đất đã giảm tới 50%, thậm chí 60% so với thời điểm “sốt”, song người mua vẫn “dửng dưng”, thậm chí ép giá. Trên các trang tin bất động sản, khu vực Yên Bài (Ba Vì), nhiều lô đất (có một phần nhỏ đất ở) đang được rao bán từ 2 - 3 triệu đồng/m2, trong khi trước đó là 4 - 5 triệu đồng/m2. Hay một mảnh đất rộng 1.000 m2 (150m2 đất ở, còn lại đất vườn) tại huyện Tản Lĩnh (Ba Vì) đang được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng.  Đây là mức cắt lỗ sâu của một khách đang ôm nợ ngân hàng vì đất.

 

Theo các chuyên gia bất động sản, những xu hướng như trên chỉ tồn tại trong một giai đoạn rất ngắn. Nhóm kinh doanh đất nông nghiệp chủ yếu là những cò đất địa phương hoặc người đầu cơ nhỏ lẻ. Vì vậy, họ hoạt động có tính thời điểm và sẵn sàng thổi giá liên tục để tạo cơn sốt đất ảo. Khi nó đi qua, thiệt hại chủ yếu vẫn là nhà đầu tư lâu dài.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản tại TP.HCM cho rằng, việc nhà đầu tư “vỡ mộng” với đất nông nghiệp là tất yếu khi không xem xét kỹ tính khả thi của dự án mình đang theo đuổi. Dù diện tích đất lớn, giá dễ mua nhưng nếu không có bài toán kinh doanh rõ ràng thì nhà đầu tư rất dễ thua lỗ, nếu không thể "thoát hàng" hoặc không có phương án tài chính cụ thể.