Để đối phó với tắc đường, nhiều người “bỏ ô tô, chọn xe máy”

Anh Duy cho biết, công việc của anh đòi hỏi thường xuyên gặp gỡ đối tác, nên việc sử dụng ô tô không chỉ tiện lợi mà còn phù hợp với tính chất công việc. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông liên miên khiến việc di chuyển bằng ô tô trở thành nỗi khổ. Do đó, anh phải chuyển sang sử dụng xe máy.

Thời điểm nào trong ngày cũng đông

Sáng 12/1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu đi lại gia tăng đáng kể khiến giao thông trên địa bàn Thủ đô đặc biệt sôi động. Lực lượng CSGT được bố trí dày đặc trên nhiều tuyến đường nhằm phân luồng phương tiện và đảm bảo người dân di chuyển thuận lợi.

Ghi nhận sáng cùng ngày, trên tuyến đường Vành đai 2, dù là ngày chủ nhật nhưng lượng phương tiện tham gia giao thông đã rất đông. Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT Hà Nội đã tổ chức túc trực từ sáng sớm để điều tiết giao thông.

Người dân dừng chờ đèn đỏ tại một nút giao thông ở Hà Nội (Ảnh: Giang Huy)

Tại khu vực Ngã Tư Sở, lưu lượng phương tiện đổ về ngày càng tăng, buộc CSGT phải liên tục chỉ huy và hướng dẫn xe cộ nhằm giảm tải áp lực tại các nút giao. Tương tự, trên các tuyến đường Láng - Yên Lãng và Láng - Láng Hạ, dòng phương tiện cũng dồn dập, dễ xảy ra tình trạng ùn ứ. Lực lượng CSGT đã được tăng cường để phân luồng và điều tiết, đảm bảo việc di chuyển của người dân diễn ra an toàn, thông suốt.

Đại úy Nguyễn Văn Long - cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 3 chia sẻ, cuối năm luôn là thời gian bận rộn nhất của CSGT. Người dân không chỉ đi làm mà còn tranh thủ cả buổi trưa và buổi tối để giải quyết công việc, sắm sửa cho Tết. Do đó, lưu lượng xe trên đường luôn rất đông đúc.

Không chỉ Hà Nội, những ngày qua, tình trạng kẹt xe diễn ra trên khắp các tuyến đường tại TP. HCM, đặc biệt tại khu vực trung tâm như giao lộ Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu.

Điển hình như chiều ngày 9/1, đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) hướng về giao lộ Phạm Văn Đồng ghi nhận tình trạng ùn ứ kéo dài. Xe máy len lỏi giữa dòng ô tô, nhích từng chút một. Đèn đỏ tại giao lộ này kéo dài khoảng 110 giây, trong khi đèn xanh chỉ có 25 giây. Nhiều người ngần ngại rẽ phải ra đường Phạm Văn Đồng về cầu Bình Lợi, càng làm tình hình thêm căng thẳng. Một số tài xế phải chờ qua 3 - 4 chu kỳ đèn mới di chuyển được quãng đường chỉ khoảng 300 m.

Thượng tá Lê Văn Hải - Phó phòng CSGT Công an TP. HCM cho biết, thời điểm này nhu cầu đi lại mua sắm và vận chuyển hàng hóa tăng cao khiến mật độ phương tiện trở nên dày đặc, dẫn đến tình trạng giao thông căng thẳng tại một số khu vực. Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, mức phạt cao đã tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông, giảm đáng kể tình trạng leo lề hay không chấp hành tín hiệu đèn.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đặc thù giao thông tại TP. HCM là mật độ xe rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây ùn ứ kéo dài ở nhiều nút giao quan trọng. Do đó, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát và đề xuất Sở Giao thông Vận tải tổ chức giao thông phù hợp hơn, bao gồm gắn biển cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ nhằm giảm ùn tắc.

Đại diện Phòng CSGT cũng chỉ ra rằng lưu lượng phương tiện tại thành phố liên tục tăng nhanh theo từng năm, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thói quen lấn làn, vượt đèn, "lấp chỗ trống" của người đi đường cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và mất an toàn. Quy định mới áp dụng gần đây không chỉ giúp cải thiện thói quen mà còn thay đổi văn hóa giao thông.

Một tuyến đường tại khu trung tâm TP. HCM kẹt cứng vào sáng ngày 10/1 (Ảnh: T.T.D)

Bỏ ô tô, chọn xe máy vì tắc đường

Anh Xuân Duy (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP. HCM) chia sẻ, trước đây, anh chỉ mất 20 - 30 phút là đến công ty, nhưng giờ đây mất hơn 45 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ. Cuối năm, công việc ở văn phòng và các cuộc gặp đối tác chồng chất. Tắc đường kéo dài khiến việc di chuyển bằng ô tô rất mất thời gian. Do đó, anh phải tạm bỏ ô tô, chuyển sang sử dụng xe máy để di chuyển.

Anh Duy cho biết, công việc của anh đòi hỏi thường xuyên gặp gỡ đối tác, nên việc sử dụng ô tô không chỉ tiện lợi mà còn phù hợp với tính chất công việc. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông liên miên khiến việc di chuyển bằng ô tô trở thành nỗi khổ.

Dù vậy, anh nhận thấy ý thức giao thông của người dân có sự cải thiện. Một số đoạn đường không còn cảnh leo lề hay vượt đèn đỏ. Hy vọng thành phố sớm cải thiện hạ tầng giao thông để giảm thiểu tình trạng ùn tắc này.

Còn chị Thanh Hương (35 tuổi) cho biết, mỗi buổi chiều phải đi từ quận 1 (TP. HCM) về đường Ung Văn Khiêm, đón con học ở đường Nguyễn Xí rồi về nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Trước đây, tại nút giao thông rẽ phải vào đường Phạm Văn Đồng, nhiều người đi xe máy vẫn rẽ.

Nhưng khi biết thông tin không được rẽ phải ở đèn đỏ khi không có biển cho phép rẽ, cùng với mức phạt tăng cao từ khi Nghị định 168 có hiệu lực ngày 1/1, người dân đã thay đổi thói quen, chỉ rẽ phải khi có đèn xanh dẫn đến ùn tắc nhiều hơn.

Chị Hương chia sẻ, chị thấy việc rẽ từ đường Nguyễn Xí ra Phạm Văn Đồng ít gây xung đột giao thông và giúp dòng xe được thoát nhanh hơn. Do đó, cơ quan chức năng có thể xem xét cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tất cả các giao lộ, chỉ hạn chế ở những nơi mất an toàn và gắn biển cấm. Xe máy rẽ phải khi đèn đỏ không ảnh hưởng nhiều giao thông, chỉ cần chú ý nhường đường, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Đường sá ùn tắc nhiều đoạn, chị Hương đã phải chuyển từ đi ô tô sang xe máy để thuận tiện đi làm và đón con. Chị bộc bạch, không khí tại TP. HCM dạo này ô nhiễm nặng hơn, chị muốn đưa đón con đi học bằng ô tô để đỡ khói bụi. Tuy nhiên, tình hình giao thông hiện nay buộc chị phải chọn xe máy.