Đến lượt Meta “đứng ngồi không yên” vì OpenAI chuyển thành công ty vì lợi nhuận

Meta đang thúc giục tổng chưởng lý California (Mỹ) Rob Bonta chặn kế hoạch chuyển đổi OpenAI thành công ty vì lợi nhuận với những lo ngại sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm khi cho phép các công ty khởi nghiệp lách luật và hưởng lợi về thuế.

Trong một lá thư gửi đến văn phòng của ông Bonta tuần này, Meta cho biết, OpenAI “không được phép vi phạm pháp luật bằng cách lấy và tái chiếm các tài sản mà tổ chức này xây dựng như một tổ chức từ thiện rồi sử dụng chúng cho mục đích cá nhân có khả năng thu lợi nhuận khổng lồ”.

Bức thư cũng cho hay, Meta nhấn mạnh, Elon Musk “đủ điều kiện và có vị thế tốt để đại diện cho quyền lợi của người dân California trong vấn đề này. 

Nguyên nhân của đơn yêu cầu có thể bắt nguồn từ chính sách ưu đãi của Mỹ đối với những tổ chức phi lợi nhuận. Meta bắt đầu với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng đã “tình cờ thành công về mặt thương mại với ChatGPT”. Công ty đang kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm. Tổng Giám đốc điều hành Sam Altman đã nói, công ty cần chuyển từ tình trạng phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư – giúp họ tiếp tục tài trợ cho tham vọng trí tuệ nhân tạo của mình. Giá trị cổ phần của công ty đã cao đến mức OpenAI sẽ phải trả lại hàng tỷ USD mà công ty đã huy động được trong năm nay (có lãi suất) nếu không chuyển đổi thành một công ty vì lợi nhuận trong vòng 2 năm.

Meta đang đệ đơn chống lại việc OpenAI chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận.

Trong bức thư gửi đi, Meta lập luận: “Hành vi của OpenAI có thể gây ra những tác động to lớn đối với Thung lũng Sillicon (nơi tập trung các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ). Nếu mô hình kinh doanh mới của OpenAI là hợp lệ, các nhà đầu tư phi lợi nhuận sẽ có được lợi nhuận tương tự như những nhà đầu tư thông thường vào các công ty vì lợi nhuận, và họ cũng sẽ được hưởng lợi từ các khoản khấu trừ thuế do Chính phủ ưu đãi”.

Rõ ràng, Meta đang lo ngại, nếu để OpenAI chuyển đổi sang mô hình vì lợi nhuận thành công sẽ mở đường cho các công ty khởi nghiệp khác “lách luật”: Đầu tiên, đăng ký là công ty phi lợi nhuận, vì cộng đồng, sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, phí. Họ sẽ duy trì tình trạng này cho đến khi công ty đạt được điểm cân bằng rồi sẽ chuyển sang mô hình vì lợi nhuận. Lúc này, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi tỷ lệ với số tiền bỏ ra, giống như các công ty thông thường khác mà lại được lợi về khấu trừ thuế hơn hẳn.

Đáp lại lá thư của Meta, Chủ tịch Hội đồng quản trị OpenAI là Bret Taylor cho biết, hội đồng quản trị phi lợi nhuận của công ty đang “tập trung vào việc đảm bảo rằng công ty có vị thế tốt để tiếp tục thúc đẩy sứ mệnh đảm bảo AI tạo sinh mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”.

Theo các chuyên gia, Meta có lý do để cản trở thành công của OpenAI. CEO Mark Zuckerberg quyết tâm biến Meta AI của mình thành “trợ lý được sử dụng nhiều nhất thế giới”, cũng như muốn xây dựng một trí thông minh siêu việt AI, đương nhiên OpenAI sẽ là đối thủ đáng gườm nhất của họ trong cuộc chạy đua này.