Có đến 70% dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi là lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những dịch bệnh này tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Ở nước ta có tới hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi lây truyền từ động vật sang người

Sáng 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024" ở Hà Nội.

Tại hội nghị, TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người... Hiện nay, ở nước ta có tới hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, hai thập kỷ qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như kinh tế, xã hội của các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển. Phần lớn trong đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như SARS, dịch hạch, cúm gia cầm A/H5N1, MERS-CoV, đại dịch cúm A/H1N1, Ebola và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành, có tác động lớn đến sức khỏe người dân như bệnh dại, bệnh liên cầu lợn ở người, cúm A/H5N1, bệnh Than, bệnh Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay, do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hay ngành Thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, thường xuyên, chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.

Năm 2013, Thông tư Liên tịch y tế - nông nghiệp số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 đã được ban hàng. Thông tư hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đây được coi là một bước tiến cho sự phối hợp liên ngành y tế - thú y.

Những năm qua, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại như cúm A/H5N1 và bệnh dại.

Bệnh cúm gia cầm (A/H5N1), sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc trên người thì từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó 1 ca đã tử vong vào tháng 3/2024. Tại nhiều địa phương trên cả nước, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bệnh dại luôn ghi nhận có số tử vong cao. Năm 2023, bệnh dại ghi nhận 82 trường hợp tử vong. Còn 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại, như miền Trung ghi nhận số ca tử vong do dại cao nhất cả nước là 10 người.

Tỷ lệ tiêm vaccine dại cho chó, mèo hiện chỉ đạt khoảng 30%

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, thời tiết diễn biến thất thường, đường biên giới dài, giao lưu thương mại, thói quen giết mổ nhỏ lẻ...là những yếu tố gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao. Ông cũng quan ngại khi tỷ lệ tiêm vaccine dại cho chó mèo hiện chỉ đạt khoảng 30% và chó mèo cơ bản không đeo rọ khi ra đường. 

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, 2 Bộ kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.