Hai hôm nay, chị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải cho cậu con trai 3 tuổi ở nhà vì bé bị chân tay miệng. Chị lo lắng con đi học sẽ lây cho các bạn. Chị Trang chia sẻ, phát hiện lòng bàn tay con có những nốt đỏ bất thường, chị nghi ngờ con bị chân tay miệng nên đã đưa bé đi khám. Sau khi có kết luận của bác sĩ, chị đã cho con nghỉ học, đồng thời cũng báo với cô giáo của lớp con trai.
Chị Trang cho biết thêm, lớp của con chị không có bạn nào bị chân tay miệng. Chị cũng luôn giữ vệ sinh cho con rất tốt, nên không rõ từ đâu mà con bị lây bệnh.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang trong những ngày nồm ẩm, là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh chân tay miệng phát triển. Đây là nguyên nhân trong 1 tuần qua số ca bệnh này tăng nhanh. Ghi nhận tuần qua, thành phố đã có 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tập trung nhiều tại quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, huyện Thanh Trì. Ngoài ra, tại một số trường học ở quận Hà Đông cũng xuất hiện bệnh thủy đậu, tình trạng lây lan khiến có lớp cùng lúc đến gần 20 học sinh phải nghỉ học.
Đặc biệt, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (phương Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), bệnh chân tay miệng đã phát thành ổ dịch. Còn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 125 trẻ mắc tay chân miệng, tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc… nên tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch.
Trước tình hình các ca bệnh đang có xu hướng tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đề nghị, các đơn vị trong ngành cần tập trung phát hiện và xử lý các ổ dịch, khử khuẩn tại các trường học có nhiều ca nhiễm bệnh, không để dịch bùng phát rộng.
Các gia đình cũng cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vật dụng ăn uống cũng cần được rửa sạch, tiệt trùng trước khi sử dụng. Không mớm thức ăn cho trẻ. Nhà cửa cũng cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là bề mặt tiếp xúc hằng ngày như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà…
Ngoài tay chân miệng thì thời điểm hiện tại, bệnh sởi và thủy đậu cũng bắt đầu vào mùa. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận nhiều ca bệnh thủy đậu, sởi rải rác tại các cơ sở y tế. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp hoặc lây từ các chất dịch ở nốt thủy đậu. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở những người mắc các bệnh nền như tiểu đường, suy tim…
Riêng thủy đậu, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo năm 2024 nằm trong chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát thành dịch. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi, tỉ lệ này chiếm khoảng 5-10%. Tích lũy 5 năm, số lượng này sẽ tương đương khoảng 50% trẻ sinh ra trong 1 năm.
Để sởi không không bùng phát thành dịch, cha mẹ cần chú ý cho trẻ tiêm vaccine đúng lịch và đủ liều. Đồng thời, ngành Y tế cũng đặt ưu tiên trong quý I/2024 tiêm chủng bù mũi và tiêm vét cho trẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, thời tiết nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan và có nguy cơ thành dịch. Bởi vậy các gia đình không được chủ quan, cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh và thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về y tế.