Từ vụ sinh viên tử vong do cúm A/H5N1: Chuyên gia khuyến cáo điều người dân hay mắc phải

Virus A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, người bị nhiễm virus thường diễn tiến nặng, gây tử vong với tỷ lệ cao tới gần 60%. Chuyên gia đưa ra cảnh báo, không ăn thức ăn tái, sống để tránh nguy cơ nhiễm virus.
cum-h5n1-1711411711.jpg
Tỷ lệ tử vong khi nhiễm cúm A/H5N1 lên tới gần 60%

Tối 25/3, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra nguồn lây cúm động vật A/H5N1 khiến nam sinh B.T.Đ. (21 tuổi, sinh viên đại học tại thành phố Nha Trang) tử vong.

Kiểm tra gia cầm trong nhà và xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng ốm, chết. Các mẫu gia cầm lấy để tầm soát đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, người nhà nam sinh cho hay, nam sinh có thói quen đi bẫy chim vào mỗi khi rảnh rỗi. Ngành chức năng nghi vấn có thể nguồn lây bệnh cho nam sinh Đ. là từ chim hoang dã. Thời điểm nam sinh Đ. chuyển bệnh, người nhà đã phóng sinh chim ra ngoài nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y khó có thể truy vết.

Trước đó, nam sinh Đ. có các triệu chứng ho, sốt nên đã tự mua thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm. Do đó, Đ. đã đến khám tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa và được chẩn đoán bị viêm họng - thanh quản cấp, theo dõi sốt xuất huyết. Bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng nam sinh này xin điều trị ngoại trú.

Đến ngày 16/3, Đ. sốt cao, đau bụng quanh rốn, phân lỏng nên gia đình đã đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa khám. Bác sĩ chẩn đoán Đ. nhiễm khuẩn ruột, cảnh báo nhiễm trùng huyết. Sang ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng, Đ. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20/3, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, nhưng đã tử vong vào ngày 23/3.

Ngay sau đó, 80 trường hợp tiếp xúc với Đ. đã được lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sức khỏe. Đến nay, các trường hợp này đều âm tính với cúm A/H5N1.

cum-h5n1-1-1711411711.jpg
Cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người

Từ năm 2003 đến nay, nước ta ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong tương đương 50,8%. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus A/H5N1 thường có ở trong các đàn chim di trú, sau đó lây cho các đàn gia cầm nuôi trong nhà. Hàng năm, các nước ở khu vực Đông Nam Á vẫn có các chủng cúm A/H5N1 lưu hành.

PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo, con đường lây nhiễm virus A/H5N1 sang người dễ nhất là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Virus còn có thể lây nhiễm qua dịch tiết đường hô hấp hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm bệnh. Do đó, người dân phải chú ý phòng dịch, tuyệt đối không chủ quan với cúm A/H5N1, phải ăn chín uống sôi, không ăn đồ tái, sống vì có thể nhiễm bệnh.

Người nhiễm cúm A/H5N1 có những biểu hiện giống với bệnh cúm thông thường nên dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy người dân cần lưu ý, các dấu hiệu sớm của cúm A/H5N1 thường bắt đầu trong khoảng 2 - 5 ngày từ lúc bị nhiễm virus như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), khó thở, mệt mỏi, đau ngực, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người nhiễm cúm A/H5N1 cần đến bệnh viện chữa trị. Nếu tự điều trị không đúng cách tại nhà có thể gây nguy hiểm cho người bệnh cũng như người chăm sóc.

Bộ Y tế cho biết, hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người. Virus A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao. Người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.