Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ dự án xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), Văn phòng UBND TP. HCM đã có thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. HCM.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phải hoàn tất công tác kiểm định chất lượng chung cư Ngô Gia Tự trong tháng 6/2025.
Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu các quy định, khảo sát kinh nghiệm của một số địa phương để hướng dẫn UBND Q.10 lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch và trình phê duyệt trước ngày 28/2/2025.
Dựa trên cơ sở đó, UBND Q.10 sẽ chịu trách nhiệm triển khai hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân tại dự án. Trước ngày 25/2, địa phương phải công bố dự thảo kế hoạch chi tiết thực hiện dự án, trong đó xác định thời gian khởi công xây dựng mới.
Chung cư Ngô Gia Tự nằm trên đường Ngô Gia Tự thuộc địa phận phường 2 (Q.10), được xây dựng từ năm 1968 với 17 lô chung cư và 2 lô đã giải tỏa. Tại đây, mỗi chung cư có thiết kế 3 tầng lầu, 1 tầng trệt và là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân. Sau hơn 50 năm đi vào hoạt động, tới nay nhiều hạng mục của chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sự an toàn và đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhiều năm nay, dự án chỉnh trang cụm chung cư Ngô Gia Tự đã được UBND Q.10 đưa vào kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai dự án chỉnh trang vẫn chưa được thực hiện do công tác di dời, hỗ trợ bồi thường và tái định cư còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ngân sách hạn hẹp nên chủ trương hiện tại của thành phố là mời gọi nhà đầu tư để huy động vốn từ doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu, hiện nay TP. HCM đang có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975 (số liệu thống kê của Sở Xây dựng). Qua kiểm định chất lượng, thành phố có 14 chung cư cấp D thuộc dạng hư hỏng nặng và nguy hiểm; 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã được tháo dỡ/chuyển đổi mục đích. Đối với chung cư cấp D, có 4 chung cư hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn, 6 chung cư xuống cấp không thuộc loại hư hỏng nặng nhưng cũng đã được tháo dỡ.
Mục tiêu tới năm 2025, TP. HCM sẽ hoàn tất việc cải tạo và sửa chữa cho 246 chung cư đã xuống cấp được xây dựng từ trước năm 1975.
Được biết, từ năm 2016 cho tới nay, công tác tháo dỡ, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. HCM chỉ dừng lại ở việc di dời, tạm cư cho người dân. Thực tế số lượng chung cư được xây mới chiếm tỷ lệ rất thấp.
Nói về nguyên nhân khiến việc cải tạo chung cư cũ còn ít và chậm, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam – bà Tô Thị Hạnh cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ thậm chí khó khăn hơn phát triển NOXH. Bởi vì, nhiều năm qua hàng vạn người dân đã sống ở chung cư cũ, giờ phải chuyển đi để giải phóng mặt bằng. Một trong những nút thắt lớn khi cải tạo chung cư cũ là người dân luôn mong muốn được đền bù cao hơn thì mới đồng ý di dời. Trong khi đó, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế để giải quyết thu hồi nguồn vốn, lợi ích hài hòa thì lại vướng mắc quy hoạch dẫn đến hạn chế phát triển.
Bà Hạnh nhận định, doanh nghiệp không được thoải mái xây dựng, sau khi dự án được cải tạo lại không được đưa cư dân mới vào ở. Điều này khiến doanh nghiệp không có đủ chi phí vốn để cải tạo. Đây là 2 nút thắt khiến doanh nghiệp khó có thể cân đối thu hồi vốn, trong khi Nhà nước vẫn chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong điều tiết vấn đề này.