Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 21/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 3,48 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng bơm 590.000 tỷ đồng vào bất động sản
Số liệu của NHNN trước đó cho biết, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này tính đến cuối năm 2023 đạt 2,89 triệu tỷ đồng. Như vậy, lượng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đã tăng thêm khoảng 590.000 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 1 năm, tương đương với mức tăng trưởng khoảng 20%. Điều này cho thấy lĩnh vực bất động sản tiếp tục thu hút một lượng vốn tín dụng đáng kể.

Ngân hàng bơm thêm 590.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.
Theo báo cáo từ NHNN, tổng tín dụng toàn nền kinh tế vào ngày 25/12/2024 đạt khoảng 15,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 13,82%. Mặc dù mức tăng này vượt qua mức 11,48% của năm 2023, nhưng vẫn còn thiếu hơn 1% so với mục tiêu 15% của năm 2024.
Hiện, NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản cả năm 2024. Song, với tỷ trọng khoảng 21 - 22% tổng dư nợ nền kinh tế thì tín dụng bất động sản năm 2024 ước đạt 3,3 - 3,4 triệu tỷ đồng. Năm 2025 nếu tăng trưởng tín dụng đạt 16% và tỷ trọng dự nợ cho vay bất động sản tương đương với hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản có thể lên tới 3,8 - 3,9 triệu tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 4/2024 cho thấy tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 13 ngân hàng lớn đạt 724.230 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 37,4% so với cuối năm 2023.
Trong số này, Techcombank đứng đầu với dư nợ cho vay bất động sản đạt hơn 187.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ của ngân hàng này (30,88%). Tiếp theo là VPBank và SHB với dư nợ cho vay lần lượt đạt 186.736 tỷ đồng (tăng 62,5%) và 122.977 tỷ đồng ( tăng 67,8%).
Ngoài ra, bất động sản cũng nhận được sự quan tâm lớn từ một số ngân hàng khác như HDBank và MBBank. Dư nợ cho vay bất động sản của HDBank đạt 68.291 tỷ đồng, tăng 17,2%, chiếm 15,4% tổng dư nợ, trong khi MBBank cho vay 55.082 tỷ đồng, tăng 27,3%, chiếm 7,85% tổng dư nợ của ngân hàng.
Mặc dù các ngân hàng lớn tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản, một số ngân hàng nhỏ như LPBank lại chứng kiến sự suy giảm tín dụng trong lĩnh vực này, với tỷ lệ giảm lên đến 27% so với năm 2023.
Đặc biệt, các ngân hàng như Kienlongbank và VIB ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong tín dụng bất động sản. Kienlongbank, với mức tăng gần 315%, đã nâng dư nợ từ 2.195 tỷ đồng lên 9.108 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ của ngân hàng. VIB cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 240%, đưa dư nợ từ 1.673 tỷ đồng lên 5.695 tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ các báo cáo tài chính từ năm 2020 đến nay, tín dụng cho vay bất động sản tại Techcombank đã gần như tăng gấp đôi, từ 95.600 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên 187.100 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Tại SHB, dư nợ tín dụng bất động sản cũng tăng trưởng mạnh mẽ, gấp hơn 5 lần trong ba năm.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản hiện tại đạt 3,48 triệu tỷ đồng, tuy nhiên nhiều dự án vẫn đang gặp khó khăn. Do vậy, nếu các vướng mắc được tháo gỡ, dòng tiền sẽ quay trở lại ngân hàng, giúp cải thiện sự lưu thông vốn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động tín dụng.
Thống đốc NHNN cũng bày tỏ sự lạc quan về các cải cách đang được triển khai, bao gồm việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án. Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời dòng vốn sẽ quay trở lại ngành ngân hàng, tạo điều kiện để tiếp tục cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, từ đó thúc đẩy quá trình giảm lãi suất cho vay.
Tín dụng vẫn ưu tiên cho doanh nghiệp
Người đứng đầu NHNN cũng cho biết thêm, đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng quyết liệt dành nguồn lực tài chính của cả hệ thống. Tuy nhiên, với 120 nghìn tỷ đồng giải ngân hạn chế, NHNN đánh giá rằng đã là người dân có thu nhập thấp rồi thì không phải ai cũng có mong muốn đi vay để mua nhà.
Vì vậy, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua, từ đó có các giải pháp phù hợp hơn. Về phía NHNN sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp mà có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng điều kiện vay vốn.

Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 tín dụng bất động sản vẫn chủ yếu được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư.
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, trong năm 2025 tín dụng bất động sản vẫn chủ yếu được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư. Trong khi đó, cá nhân vẫn còn dè dặt trong việc vay mua nhà do giá quá cao so với mức có thể chấp nhận được.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhu cầu và tiềm năng của phân khúc vay mua nhà vẫn rất lớn, nhưng cần thời gian để các chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc pháp lý, từ đó tăng nguồn cung phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp kéo giảm giá nhà và kích thích nhu cầu vay mua nhà trở lại, hướng tới mức tăng trưởng trung bình trên 20% mỗi năm như giai đoạn trước năm 2022.
Dự báo, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản nhằm tăng cường nguồn cung trong tương lai, từ đó thúc đẩy cả nhu cầu vay mua nhà để ở và đầu tư. Tuy nhiên, có khả năng một phần tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn tài chính, nhằm mục đích tái cấu trúc nợ trong bối cảnh lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2025 – 2026.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cảnh báo cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng phục vụ mục đích đảo nợ trái phiếu nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu, đồng thời đề xuất áp dụng các giải pháp hiệu quả hơn để tháo gỡ vướng mắc vốn cho thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh tín dụng bất động sản năm 2025 dự báo tiếp tục chủ yếu chảy về phía cung (tức các chủ đầu tư) thay vì phía cầu (người mua nhà), lãi suất cho vay mua nhà dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 5,3 đến 7,2%/năm trong thời gian ưu đãi, thường áp dụng cho năm đầu tiên.