Giá nhà tái định cư lên tới 50 triệu/m2, ngang ngửa chung cư thương mại

Nhu cầu nhà ở khu vực trung tâm tăng mạnh từ cuối năm ngoái, trong khi nguồn cung ít ỏi khiến giá các loại hình chung cư đều tăng vọt, trong đó mức tăng giá của căn hộ tái định cư khiến nhiều người sửng sốt.

Từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận trên trang website giao bán bất động sản trực tuyến, giá nhà tái định cư có xu hướng tăng nhanh. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com, tòa tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) đã tăng 15%, giá khoảng 50-55 triệu đồng/m2.

Hay khu tái định cư NO3 Dịch Vọng Hậu đã đưa vào sử dụng 20 năm, hồi cuối năm ngoái có giá hơn 52 triệu đồng/m2. Trong khi vào năm 2020, căn hộ tại đây chỉ khoảng 25 triệu đồng/m2. Tương tự, giá căn hộ tại tòa tái định cư C18 Xuân La, quận Tây Hồ cũng ghi nhận đà tăng nhẹ gần 4% theo quý, đạt gần 44 triệu đồng một m2.

Có nhu cầu giao bán chung cư ở Hà Đông để chuyển sang nhà tái định quận Cầu Giấy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng được môi giới tư vấn một căn 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 70m2 tại tòa B3A khu Nam Trung Yên với giá 3,5 tỷ đồng (tương đương 50 triệu đồng/m2). Khu tái định cư này đã hoạt động 15 năm, xuống cấp trầm trọng mà giá ngang chung cư thương mại mới khiến vợ chồng chị Hồng phải tính lại việc chuyển nhà.

Cuối năm ngoái, với ngân sách 1,5 tỷ đồng, vợ chồng anh Phạm Phú (ở huyện Đông Anh) muốn tìm căn tái định cư vừa túi tiền tại quận Bắc Từ Liêm để tiện cho các con đi học. Tuy nhiên, anh Phú khá bất ngờ khi môi giới báo một căn diện tích 54m2, đã sử dụng hơn chục năm có giá gần 2,3 tỷ đồng (42 triệu đồng/m2). Với mức giá này, đôi vợ chồng trẻ đã “quay xe” chốt căn nhà thương mại giá tương đương tại một dự án ngay địa bàn huyện.

Giá nhà tái định cư có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm ngoái đến nay.

Theo một số môi giới cho biết, giá rao bán nhà tái định cư trung tâm tăng vọt từ cuối năm ngoái do "ăn theo" đà tăng của chung cư. Trước đó, loại hình này nhiều năm đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ 5% mỗi năm. Thực tế, số căn tái định cư được rao bán không nhiều và kém đa dạng nên giao dịch ít sôi động. Nhiều khách không “xuống tiền” vì giá rao cao và chất lượng nhà quá xuống cấp. Như căn tại khu tái định cư NO3 Dịch Vọng Hậu, môi giới nhận ký gửi với giá hơn 52 triệu đồng/m2 nhưng 3 tháng nay vẫn chưa có khách “ngó ngàng”.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ đánh giá, một số căn khu tái định cư Nam Trung Yên đều trên 50 triệu đồng một m2, ngang với giá dự án thương mại nằm trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy. Với mục đích ở, thay vì mua nhà tái định cư, nhiều người sẽ chọn chung cư thương mại (dù chưa ra sổ) để được cả chất lượng sống lẫn vị trí thuận lợi.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, lợi thế duy nhất căn hộ tái định cư có thể tăng giá là nhờ vị trí. Hầu hết các tòa nhà này đều ở quận trung tâm, kết nối giao thông thuận lợi với nhiều tiện ích xung quanh.

Vì vậy, giá rao bán nhà tái định cư từ 40-60 triệu đồng mỗi m2 chỉ xảy ra ở khu vực có vị trí thuận tiện tại quận trung tâm như Cầu Giấy, Tây Hồ, Nam Từ Liêm... còn những dự án xa hơn ít tăng giá. 

Mất lợi thế này, nhiều khu tái định cư thậm chí phải giảm giá nhưng không có người mua. Như nhiều trường hợp còn trong tình trạng bỏ hoang, dân cư thưa thớt sau nhiều năm xây dựng như: Khu tái định cư Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) hay Khu di dân Đền Lừ III (quận Hoàng Mai).

Bên cạnh đó, loại hình này có đặc điểm diện tích nhỏ, thiết kế đơn giản, nhanh xuống cấp nên chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản. Việc “hét” giá càng khiến giao dịch khó đi đến thành công. 

Nhiều khu nhà tái định cư bỏ hoang, dân cư thưa thớt sau nhiều năm xây dựng.

Tư vấn về việc đầu tư nhà tái định cư, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông cho rằng, phân khúc này lợi nhuận không cao và không phải kênh đầu tư hiệu quả. Bởi lẽ, càng về lâu giá càng chững lại do chất lượng không tốt.