Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô như cao điểm xử lý vi phạm trên 5 cây cầu dẫn vào nội đô, tăng cường kiểm soát vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên…
Điển hình như trong đợt ra quân xử lý vi phạm tháng 3 vừa qua, chỉ riêng ngày 19/3, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý 452 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tổng số tiền xử phạt lên đến gần 1 tỷ đồng. Tước 84 giấy phép lái xe, tạm giữ 92 xe máy, 2 ô tô và 12 phương tiện khác. Ngoài ra, xử lý 78 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 28 trường hợp vi phạm tốc độ, 22 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện và hơn 100 trường hợp vi phạm về dừng, đỗ sai quy định.
Cảnh sát giao thông Hà Nội ra quân mạnh mẽ, nhưng vẫn còn một số vi phạm cần xử lý nghiêm như người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, đối tượng giả dạng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp...
Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội đã triển khai kế hoạch số 172, phối hợp cùng cán bộ công an của 12 quận nội thành Hà Nội để thành lập 5 tổ công tác đặc biệt.
Các tổ công tác đặc biệt này gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an địa phương sẽ thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm giao thông xảy ra hàng ngày trên các tuyến đường nội đô là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông mà lực lượng cảnh sát giao thông và công an các quận không thể bao quát hết.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, 5 tổ công tác đặc biệt chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.
Mỗi tổ công tác dự kiến sẽ hoạt động 8 giờ/1 ngày, chia làm 2 ca (mỗi ca 4 giờ), bố trí nhiều tổ công tác đồng loạt tập trung kiểm soát, xử lý trên một tuyến đường hoặc một địa bàn, trong một khung thời gian để xử lý quyết liệt, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, các tổ công tác có thể bố trí làm nhiệm vụ theo thời gian, địa bàn, tuyến so le nhau để nâng cao hiệu quả phát hiện vi phạm, tạo yếu tố đột xuất, bất ngờ.