Những ngày qua, ảnh hưởng từ mưa lũ khiến một số khu vực của Hà Nội bị ngập lụt. Tại những vùng bị ngập nghiêm trọng, người dân đã phải sơ tán tới nơi an toàn. Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết, đến chiều 12/9, các lực lượng chức năng đã triển khai sơ tán, di dời khoảng 73.700 người dân tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ.
Nhà bà Lương Tố Mỹ ở cuối ngõ 76 đường An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ). Trưa 11/9, căn nhà cấp bốn của gia đình bà bị nước lũ nhấn chìm. Vợ chồng bà xách vội túi quần áo nhập cùng đoàn người chạy đến nhà văn hóa phường Yên Phụ trú ẩn.
Bà Mỹ cùng những người chạy lũ khác được đón tiếp rất chu đáo. Chính quyền phường trợ cấp nhu yếu phẩm, người dân quanh vùng cũng chung tay tiếp tế. Bà Mỹ chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân, không biết vợ chồng bà trôi dạt về đâu bởi nhà đã ngập, tiền bạc cũng không còn.
Bà Mỹ bảo, hơn 10 năm sống sát bãi bồi sông Hồng, nhà nhiều lần bị nước tràn vào nhưng chưa khi nào ngập qua nóc như năm nay.
Cũng tá túc tại nhà văn hóa phường Yên Phụ, chị Hồ Thị Thúy Minh cho biết, nhà chị ở ngách 43 ngõ 76 An Dương. Từ 6h sáng 11/9, vợ chồng chị đã thu dọn đồ đi sơ tán khi thấy dấu hiệu nước sông dâng cao. Sau 30 phút chất đồ lên chiếc xe ba bánh, chồng chị bế con gái sơ sinh cùng con lớn ngồi sau, còn chị nổ máy, phóng ra khỏi nhà. Lúc này, nước đã ngập ngang bánh xe.
Sau một đêm ở nhà văn hóa phường Yên Phụ, gia đình bà Mỹ, chị Minh cùng 29 người khác được chuyển đến Trung tâm Văn hóa quận Tây Hồ bởi phường Yên Phụ mất điện. Nhiều tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm đã gửi bánh chưng, chăn, chiếu, quạt cho đến đồ ăn, bỉm sữa để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho mọi người.
Trung tâm Giáo dục dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình) cũng là nơi tạm trú của nhiều người tránh lũ. Phần lớn những người dân này đang sinh sống tại phường Phúc Xá, Phúc Tân nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ sông Hồng.
Khoảng 12h ngày 12/9, gần 50 người cả già trẻ, lớn bé tại đây thưởng thức hộp cơm thơm ngon do một khách sạn gần đó tặng. Ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi, ở khu An Dương) chia sẻ, may ra được đây trú tạm chứ không phải gặm mì tôm sống. Ông Thành vốn được hỗ trợ thuê nhà từ thiện cùng 4 cụ ông neo đơn khác tại phường Phúc Xá, người lớn nhất đã 95 tuổi. Tối 11/9, cả 5 người đều được an toàn đưa tới điểm di tản trên phố Phó Đức Chính.
Cầm trên tay chiếc đài nhỏ, ông Thành bảo, đây là món đồ có giá trị duy nhất ông kịp mang theo khi đi di tản lúc 18h ngày 11/9. Ông cũng không kịp mang theo đồ để thay nhưng may mắn đến đây mọi người có quần áo từ thiện cho mặc tạm. Dù lo lắng đồ đạc ở nhà trọ, nhưng ông tự nhủ tính mạng, sự an toàn vẫn là trên hết.
Trong khi đó, ông Dũng (56 tuổi) cũng cho hay, lúc chạy lũ, ông rất lo lắng vì không kịp mang theo đồ đạc gì. Ông còn phải dùng nạng di chuyển. Để đến được nơi tạm trú này, ông được hỗ trợ chở bằng xe máy. Tại đây, khi được phát quần áo, một số vật dụng vệ sinh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, ông mới thở phào nhẹ nhõm phần nào.
Ông Dũng nói thêm, có chiếc xe máy giá trị nhất, ông đã gửi ở bãi. Mấy ngày nữa được về, nếu xe hỏng do bị ngập nước thì tìm cách sửa. Đêm đầu tiên ở điểm tránh lụt, ông không ngủ quen, nên lấy ghế ra hành lang ngồi nhìn đường phố, bồn chồn khi phía khu nhà vẫn tối om do cắt điện. Vợ ông Dũng đã qua đời do ung thư, cô con gái lấy chồng ở cùng quận. Biết ông được di tản đến đây, cô đã vào thăm, mua cho ông ít đồ ăn và đồ dùng tạm.
Chị Thanh (46 tuổi, phường Phúc Xá) cho biết, 9 thành viên trong gia đình chị tới đây từ chiều 11/9. Nước lũ lên quá nhanh nên gia đình chị không kịp mang theo gì, mỗi người lớn dắt tay một đứa nhỏ mà chạy. Sinh sống ở khu vực này hơn 10 năm nay, chị chưa từng thấy trận bão hay lụt nào lớn đến vậy. Hiện, chị chỉ mong sao nước nhanh rút để về dọn dẹp nhà cửa và kiểm kê tài sản thiệt hại.
(Tổng hợp)