Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội liên tục ghi nhận chất lượng không khí ở mức báo động. Hệ thống quan trắc không khí đã cảnh báo chất lượng không khí rất kém, gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt với nhóm nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh hô hấp.
Điển hình, tình trạng ô nhiễm không khí đạt đỉnh vào ngày 13/10, khi Hà Nội xếp thứ ba trong bảng xếp hạng chất lượng không khí toàn cầu của ứng dụng AirVisual với chỉ số AQI lên tới 184. Nhiều khu vực trong thành phố ghi nhận mức ô nhiễm ở ngưỡng màu tím, mức cảnh báo có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường, đặc biệt không khí, đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Thủ đô. Tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2024 - 2029 mới đây, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện 5 giải pháp chính để cải thiện môi trường gồm: Cải tạo và xử lý ô nhiễm ở các hồ, sông; mở rộng hệ thống quan trắc tự động về chất lượng không khí và nước; chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô.
Đặc biệt, trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân, ông Nam cho hay, từ năm 2025, thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là những điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại những khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ bị hạn chế.
Theo đó, Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra khái niệm "vùng phát thải thấp", được xác định nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm, góp phần cải thiện chất lượng không khí. HĐND TP. Hà Nội sẽ quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp áp dụng theo lộ trình phù hợp, quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông gây ô nhiễm.
UBND TP. Hà Nội hiện đang lấy ý kiến từ người dân về dự thảo Nghị quyết quy định các tiêu chí, điều kiện, trình tự và thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn. Trong dự thảo, thành phố đề xuất năm tiêu chí cụ thể để xác định vùng này. Tiêu chí đầu tiên dựa vào đặc điểm dân cư và kinh tế của khu vực.
Thứ hai là mức độ ô nhiễm không khí hiện tại ở các khu vực chịu ảnh hưởng từ nguồn phát thải giao thông. Thứ ba là khả năng hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng.
Tiêu chí thứ tư liên quan đến việc khu vực đó đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải từ phương tiện giao thông. Cuối cùng, tiêu chí thứ năm yêu cầu có sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong việc xây dựng vùng phát thải thấp.
Về biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, dự thảo đề xuất các giải pháp giao thông bền vững, bao gồm phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng và khả năng phục vụ của hệ thống giao thông công cộng, hướng đến việc dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ từng bước xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức sử dụng phương tiện công cộng và giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân. Thành phố cũng sẽ thực hiện các chính sách nhằm thay thế xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn an toàn giao thông và xả thải vượt mức quy định; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy bằng dầu diesel và hạn chế hoạt động của xe máy, xe tải, xe taxi tại một số khu vực nhất định.
Về mặt kinh tế, Hà Nội dự kiến sẽ ban hành các quy định khuyến khích thu hút đầu tư vào các tuyến đường sắt đô thị, BRT, mono rail, và xe buýt thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) để phát triển nhanh chóng và đồng bộ. Thành phố cũng sẽ có cơ chế quy định các loại phí và thuế liên quan đến việc xây dựng và thực hiện vùng phát thải thấp, phù hợp với các chính sách chung.