Thời gian gần đây, tình trạng sương mù dày đặc kéo dài từ sáng đến trưa xuất hiện với tần xuất thường xuyên tại TP. HCM, báo động ô nhiễm bụi mịn. Điển hình như vào ngày 16/10, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tại nhiều khu vực của TP. HCM ghi nhận mức cao, lên tới 150 - 170, thuộc nhóm "kém".
Theo bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, sau cơn mưa lớn đêm, hiện tượng nghịch nhiệt đã xuất hiện. Độ ẩm bão hòa đạt mức 100%, trong khi gió yếu đã tạo điều kiện cho sương mù hình thành dày đặc. Đặc biệt, trên đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, vẫn còn ngập nước sau cơn mưa lớn khiến tình trạng sương mù thêm phần nghiêm trọng.
Sương mù bao trùm các tòa nhà cao tầng và khu dân cư, tạo nên một khung cảnh mờ ảo. Hiện tượng này trở nên đặc biệt rõ rệt hơn ở các khu vực ven sông và rạch, nơi có độ ẩm cao hơn. Đến khoảng 10h30 cùng ngày, lớp sương mù mới bắt đầu có dấu hiệu tan dần.
Theo dữ liệu từ ứng dụng IQAir - một trong những nhà cung cấp dữ liệu ô nhiễm không khí hàng đầu, TP. HCM xếp thứ 7 trong số 120 thành phố lớn trên thế giới về mức độ ô nhiễm không khí vào sáng 16/10. Trong khi đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 17.
Trước đó, vào ngày 25/9, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Các trạm quan trắc không khí đã ghi nhận mức bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Nhiều người dân sống trong các khu vực đông đúc, gần các tuyến đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh hay Quốc lộ 1A cảm nhận rõ sự khó chịu do bụi mịn.
Thời điểm này, các cơ sở y tế cũng báo cáo tăng số lượng bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng như ho, khó thở, viêm phế quản. Chính quyền địa phương khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài, đặc biệt là vào buổi sáng sớm và chiều tối khi bụi mịn tập trung nhiều hơn.
Vào ngày 11/9, tình trạng sương mù và ô nhiễm không khí cũng đã khiến nhiều người dân phải lo lắng. Báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho thấy, chỉ số AQI trong ngày này dao động từ 120 - 150, thuộc nhóm chất lượng không khí xấu.
PGS. TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu cho hay, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở TP. HCM hiện cao gấp 4 - 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, tỷ lệ bụi mịn từ phương tiện giao thông chiếm khoảng 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố.
Thực tế, vào cuối mùa mưa, bầu không khí ở TP. HCM thường trong tình trạng trắng đục như sương mù. Nguyên nhân là do độ ẩm trong không khí cao, các hạt bụi mịn bám vào hơi nước quanh quẩn ở tầng đối lưu của khí quyển không thoát được. Tình trạng không khí màu trắng đục là hiện tượng mù hỗn hợp vừa do sương mù kết hợp với mù khô. Sương mù sẽ tan khi nắng lên. Còn mù khô là do ô nhiễm không khí nên khi nắng lên vẫn không tan. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM gọi hiện tượng này là mù quang hóa.
Bà Lê Thị Xuân Lan cảnh báo, cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng, dẫn đến lưu lượng xe cộ nhiều, cộng thêm việc xây dựng sửa chữa nhà cửa cũng cao, đã phát tán lượng bụi lớn hơn vào không khí. Mù khô cộng với gió mạnh, chất ô nhiễm nằm tầm thấp khiến chúng ta hít vào gây ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, nhiều người sẽ bị ho, nghẹt mũi, khó thở vào thời điểm này.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. HCM) cho hay, bụi mịn PM2.5 và PM10 xâm nhập vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy thuộc vào kích thước của các hạt bụi.
Trong khi PM10 có khả năng đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ tại phổi, PM2.5 lại nguy hiểm hơn vì kích thước của chúng nhỏ đến mức có thể len lỏi vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn. Khi PM2.5 và PM10 tích tụ lâu dài, chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh, những nhóm đối tượng nhạy cảm và chịu tác động lớn nhất từ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và PM10 bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cũng như những người có bệnh lý về tim mạch hoặc hô hấp. Trẻ nhỏ sống trong môi trường ô nhiễm không khí nặng có nguy cơ phát triển chiều cao không đầy đủ và dễ mắc các bệnh hô hấp cao hơn từ 19 đến 25% so với những trẻ em sống ở khu vực không ô nhiễm.