"Nóng" ô nhiễm không khí: Muốn cải thiện phải bắt đầu từ kiểm soát khí thải phương tiện giao thông

Khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của nước ta, đặc biệt Hà Nội và TP. HCM. Do đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện là nhiệm vụ cấp thiết để giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những năm gần đây, ô nhiễm không khí trở thành vấn đề nóng, được người dân vô cùng quan tâm. Nhất là khi ô nhiễm gia tăng với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng ngày càng lớn đến chất lượng cuộc sống con người. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ phương tiện giao thông. Ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hoạt động phát thải vào khí quyển các khí CO, VOC, NO2 và bụi mịn. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ. Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với bình thường.

o-nhiem-1718963581.jpg
Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông giúp cải thiện ô nhiễm môi trường 

Điều này có thể thấy rõ tại Hà Nội thời gian qua khi thành phố luôn nằm trong top đầu những đô thị ô nhiễm nhất thế giới. Hà Nội hiện có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó 6,6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ô tô. Tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 4 - 5%, riêng ô tô tăng 18%.

Còn tại TP. HCM, hiện có khoảng 8,7 triệu phương tiện với 8 triệu xe máy và gần 1 triệu xe ô tô. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, TP. HCM là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2. Con số này chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.

Số liệu trên cho thấy, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông là nhiệm vụ cấp thiết để giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này gặp nhiều trở ngại.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là sự tăng trưởng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, nhất là xe máy. Thứ hai, các loại xe cũ, không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn đang được lưu thông rất nhiều. Thứ ba, người dân vẫn chưa có ý thức đưa phương tiện đi bảo dưỡng định kỳ, gây ra tình trạng khí thải vượt mức cho phép.

Thứ tư, xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến ở nước ta. Việc người dân phụ thuộc vào xe máy như phương tiện di chuyển chính là một thách thức lớn trong việc cải thiện chất lượng không khí.

o-nhiem-1-1718963581.jfif
Nước ta có sự tăng trưởng nhanh chóng về phương tiện cá nhân (Ảnh: Phạm Hùng)

Ở nước ta, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp nhiều trở ngại do thiếu quy định cụ thể và rõ ràng. Có thể kể đến, nước ta có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, song chưa có quy định về việc kiểm soát. Hay Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho ô tô, xe máy cá nhân, chỉ áp dụng niên hạn cho các loại ô tô như xe tải, xe khách hay xe taxi.

Theo nhiều chuyên gia, để kiểm soát hiệu quả khí thải phương tiện giao thông, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ, trong đó trọng điểm chính là kiểm định khí thải định kỳ. Để thực hiện điều này, trước tiên cần thiết lập các trạm kiểm định khí thải tại nhiều nơi, bảo đảm mọi phương tiện đều được kiểm tra. Đặc biệt, cần chú trọng đến xe máy và ô tô cũ, những nguồn phát thải lớn nhất.

Việc quy định xử phạt nghiêm khắc những phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp giảm thiểu lượng khí độc hại. Điều này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao ý thức của người dân trong bảo dưỡng phương tiện.

Một giải pháp khác là phát triển hệ thống giao thông xanh. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM cần đẩy mạnh triển khai xe buýt điện, xe đạp công cộng và mở rộng hệ thống đường sắt đô thị. Những dự án này không chỉ giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện cá nhân mà còn thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phải nâng cao nhận thức cộng đồng. Khi người dân hiểu rõ tác hại của khí thải và lợi ích của việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ, họ sẽ tự giác thực hiện và ủng hộ các biện pháp kiểm soát khí thải. Chỉ khi mỗi cá nhân, tổ chức và chính quyền cùng nhau hành động, mới có thể đạt được mục tiêu cải thiện ô nhiễm môi trường.